Chưa nộp đơn khởi kiện, khởi tố hình sự, cá nhân có được tự yêu cầu giám định thương tích không?

Chủ đề   RSS   
  • #611480 13/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 515 lần


    Chưa nộp đơn khởi kiện, khởi tố hình sự, cá nhân có được tự yêu cầu giám định thương tích không?

    Khi nào sẽ thực hiện giám định thương tích? Cá nhân có quyền tự yêu cầu giám định thương tích khi chưa nộp đơn khởi kiện và chưa tiến hành khởi tố vụ án hình sự không? 

    Khi nào thực hiện giám định thương tích?

    Theo Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 quy định:

    Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012.

    Theo đó, giám định thương tích là một trong các thủ tục giám định tư pháp. Giám định thương tích là quá trình xác định, đánh giá và phân tích các dấu hiệu, tổn thương và vết thương trên cơ thể người hoặc vật chất để tìm hiểu nguyên nhân, tính chất, và mức độ của thương tích. 

    Giám định thương tích nhằm mục đích cung cấp các thông tin chính xác và khách quan về thương tích để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, bao gồm nạn nhân, bị can, và hệ thống pháp luật, hỗ trợ hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

    Theo Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định bao gồm:

    - Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

    - Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

    - Nguyên nhân chết người;

    - Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

    - Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

    - Mức độ ô nhiễm môi trường.

    Như vậy, khi cần xác định tính chất của thương tích, mức độ tổn hại đối với sức khỏe hoặc khả năng lao động của người bị gây thương tích, thì phải bắt buộc trưng cầu giám định thương tích.

    Chưa nộp đơn khởi kiện, chưa khởi tố hình sự, cá nhân có được tự yêu cầu giám định thương tích không?

    Theo Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp như sau:

    - Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định

    - Người yêu cầu giám định có quyền:

    + Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

    + Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

    + Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

    + Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

    - Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

    + Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

    + Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

    - Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

    Như vậy, cá nhân chỉ có quyền tự yêu cầu giám định trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, khi chưa nộp đơn khởi kiện, chưa khởi tố hình sự tức là chưa có quyết định, lúc này cá nhân có quyền tự yêu cầu giám định thương tích.

    Khi nào Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử?

    Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

    - Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

    + Đưa vụ án ra xét xử;

    + Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

    + Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

    Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 

    Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

    - Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

    Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

    - Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

    Như vậy, trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp đủ điều kiện xét xử.

     
    275 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (09/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận