Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính Phủ về bảo đảm trật tự ATGT dịp 30/04 - 01/05

Chủ đề   RSS   
  • #610506 12/04/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (369)
    Số điểm: 6801
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 140 lần


    Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính Phủ về bảo đảm trật tự ATGT dịp 30/04 - 01/05

    Ngày 11/04/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện 36/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

    Cụ thể, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như tạo thuận lợi cho người dân cả nước đi lại trong dịp 30/04 - 01/05 và cao điểm du lịch hè năm 2024, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành thực hiện những nhiệm vụ như sau:

    (1) Phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn và thông suốt

    Theo Công điện 36/CĐ-TTg, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả những trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định, phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường,…

    Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép và cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.

    Ngoài ra, Bộ Công an phải có phương án điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt. Đặc biệt là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và nghỉ hè 2024.

    (2) Tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời dọc các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ

    Bộ Giao thông vận tải được giao trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, các Sở và các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

    Đối với kết cấu hạ tầng giao thông, phải được bảo đảm chỉnh trang, đáp ứng được những điều kiện an toàn, trường hợp xảy ra sự cố phải kịp thời khắc phục. Những tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, nhất là tại các đô thị lớn và địa bàn thu hút đông khách du lịch phải được khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, trên những đoạn, tuyến, công trình có hoạt động thi công xây dựng cũng phải bảo đảm thực hiện nghiêm việc tổ chức, hướng dẫn bảo đảm giao thông.

    Đối với đường cao tốc, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ có 02 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát kết cấu hạ tầng giao thông (nhất là hệ thống báo hiệu đường bộ) và phương án tổ chức giao thông. Để từ đó phát hiện và xử lý kịp thời tồn tại, bất cập phát sinh. Bên cạnh đó cũng phải lưu ý những trường hợp các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ thì phải có giải pháp về phân luồng điều tiết giao thông từ xa, tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm thời. Trong trường hợp cần thiết, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án tổ chức giao thông, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao an toàn giao thông.

    (3) Tăng cường thời lượng tuyên truyền về ATGT

    Nội dung chỉ đạo này dành cho Bộ Thông tin và Truyền thông, theo đó Bộ có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về ATGT.

    Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí và các tổ chức chính trị - xã hội phải tổ chức thông tin, tuyên truyền về hậu quả của tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã từng xảy ra trước đây để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và phòng tránh tai nạn giao thông. Đồng thời, phải cảnh báo về các hành vi, các địa bàn và những tình huống về thời tiết, môi trường có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

    (4) Bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân gặp tai nạn

    Bộ Y tế phải chỉ đạo các Sở Y tế cùng các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế cũng như thuốc men để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa khi xảy ra tai nạn giao thông, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.

    (5) Bảo đảm an toàn giao thông trong công tác tổ chức du lịch

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các tổ chức cá nhân có liên quan đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào trong công tác tổ chức các hoạt động du lịch trên toàn quốc, đặc biệt là bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các địa bàn thu hút khách du lịch, điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.

    (6) Tuyệt đối không giao phương tiện hoặc để cho người không đủ điều kiện

    Công điện 36/CĐ-TTg nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, yêu cầu phụ huynh phải có biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ con em mình trong thời gian nghỉ hè, tuyệt đối không giao phương tiện hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

    (7) Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính Phủ về bảo đảm trật tự, ATGT

    Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Đồng thời, phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ và phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, gắn chặt với hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc đi lại. Nỗ lực cao nhất không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn mình quản lý.

    Riêng đối với những địa phương có địa hình đèo dốc quanh co nguy hiểm ngoài việc tuyên truyền hướng dẫn các lái xe tuần thủ quy định còn phải có phương án phân luồng giao thông phù hợp với thực tế lưu lượng phương tiện. Các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua, phối hợp thực hiện tốt phương án tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có hai làn xe, chưa có làn dừng khẩn cấp, chưa có trạm dừng nghỉ.

    (8) Tổ chức trực theo chế độ 24/7, phối hợp, trao đổi thông tin trực về bảo đảm ATGT

    Tại nội dung cuối cùng của Công điện 36/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức trực theo chế độ 24/7. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trực về bảo đảm trật tự ATGT giữa các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến, địa bàn (như lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ, các đơn vị chức năng có liên quan). Bên cạnh đó, phải công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự ATGT để tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình ATGT trong dịp nghỉ lễ trên địa bàn.

     
    37 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận