Tiếp công dân là hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để lắng nghe và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo từ công dân. Chủ tịch UBND các cấp có được uỷ quyền tiếp công dân không?
Theo Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013 quy định:
- Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013 đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
- Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
- Nơi tiếp công dân bao gồm Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bố trí và phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.
Như vậy, tiếp công dân là việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo của công dân tại Trụ sở, địa điểm tiếp công dân.
Chủ tịch UBND các cấp có được uỷ quyền tiếp công dân không?
Theo Điều 12, Điều 13, Điều 15 Luật Tiếp công dân 2013 quy định:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định.
Trong đó, các trường hợp tiếp công dân đột xuất bao gồm:
- Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân theo lịch cố định và đột xuất theo quy định. Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp sẽ không được uỷ quyền tiếp công dân.
Khi tiếp công dân phải tuân theo nguyên tắc gì?
Theo Điều 3 Luật Tiếp công dân 2013 quy định nguyên tắc tiếp công dân như sau:
- Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
- Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi tiếp công dân phải đảm bảo đúng nơi, đúng chỗ, công khai, dân chủ, kịp thời, thủ tục đơn giản và đảm bảo an toàn, bình đẳng, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình.