Giám sát thi công xây dựng công trình là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng. Vậy chủ đầu tư có cần chứng chỉ năng lực để được tự mình giám sát thi công xây dựng không?
(1) Giám sát thi công xây dựng công trình là gì?
Giám sát thi công công trình là hoạt động theo dõi, kiểm soát, đôn đốc và nghiệm thu các hạng mục công việc xây lắp của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình.
Theo quy định tại Điều 120 Luật Xây dựng 2014, việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm được các yêu cầu sau đây:
- Thực hiện việc giám sát trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng
- Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng
- Trung thực, khách quan, không vụ lợi
Có thể thấy, việc giám sát thi công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường của công trình. Theo đó, giám sát thi công xây dựng công trình sẽ giúp cho chủ đầu tư:
- Kiểm soát được quá trình thi công: Giám sát thi công giúp chủ đầu tư nắm bắt được tiến độ thi công, chất lượng thi công và các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.
- Phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót: Giám sát thi công giúp chủ đầu tư phát hiện kịp thời các sai sót trong thi công và có biện pháp xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng đến chất lượng công trình
- Bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư: Giám sát thi công giúp chủ đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình thi công, đảm bảo được công trình được hoàn thành đúng theo hợp đồng
Có thể thấy, việc giám sát thi công xây dựng công trình là một khâu rất quan trọng trong xây dựng, được thực hiện xuyên suốt từ lúc khởi công cho đến lúc nghiệm thu.
Vậy, vấn đề đặt ra là chủ đầu tư tự giám sát công trình được không? Nếu có thì chủ đầu tư có cần có chứng chỉ năng lực hay không?
(2) Chủ đầu tư được tự giám sát thi công xây dựng công trình không?
Theo Điều 121 Luật Xây dựng 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư có quy định như sau:
- Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng và tự chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình
- Chủ đầu tư có nghĩa vụ lựa chọn tư vấn giám sát có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng để ký kết hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình trong trường hợp không tự thực hiện giám sát thi công xây dựng
Như vậy, theo quy định trên, chủ đầu tư có quyền tự thực hiện việc giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực làm công việc đó, trường hợp không đủ năng lực thì chủ đầu tư có nghĩa vụ lựa chọn tư vấn giám sát có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng.
(3) Chủ đầu tư tự giám sát thi công xây dựng có cần chứng chỉ năng lực không?
Theo quy định tại Điều 87 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BXD 2023, tổ chức khi tham gia các hoạt động sau đây thì phải có đủ điều kiện năng lực:
- Khảo sát xây dựng;
- Lập thiết kế quy hoạch xây dựng
- Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng
- Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng
- Thi công xây dựng công trình
- Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
- Kiểm định xây dựng
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Theo đó, trừ lĩnh vực quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực còn lại đều phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Bên cạnh đó, tại Công văn 3980/BXD-HĐXD năm 2020 có hướng dẫn, để tham gia giám sát thi công xây dựng công trình thì tổ chức phải đáp ứng điều kiện và được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP.
Như vậy, có thể khẳng định, nếu chủ đầu tư tự giám sát thi công xây dựng công trình thì bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực.
Trừ các trường hợp sau đây thì tổ chức không cần có chứng chỉ năng lực:
- Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy
- Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình
- Thiết kế, giám sát, thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình; giám sát, thi công nội thất công trình.
(căn cứ khoản 3 Điều 87 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BXD 2023).