Chó cắn người khác bị thương, người chủ bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #609287 13/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần


    Chó cắn người khác bị thương, người chủ bị xử phạt như thế nào?

    Đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp bị chó cắn dẫn đến bị thương hoặc thậm chí tử vong như trường hợp tại Quảng Bình vừa qua. Vậy người chủ không tiêm phòng, rọ mõm chó thì bị xử phạt thế nào? BYT khuyến cáo thế nào về tiêm phòng? Chó nuôi cắn người khác bị thương, người chủ bị xử phạt như thế nào?

    (1) Chủ không rọ mõm, tiêm phòng cho chó nuôi bị xử phạt như thế nào?

    Theo Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 thì người chủ sở hữu của chó mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y.

    Trường hợp người chủ không thực hiện tiêm phòng theo quy định thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP như sau:

    “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; 

    b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

    …”

    Như vậy, trường hợp người chủ không đeo rọ mõm, tiêm phòng cho chó của mình nuôi có thể xử phạt hành chính từ 01 đến 02 triệu đồng.

    (2) Bộ y tế khuyến cáo như thế nào về việc tiêm phòng dại?

    Theo Bộ Y tế, bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là qua vết cắn hoặc vết xước của chó, mèo bị bệnh. Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn, co giật, ảo giác, và cuối cùng dẫn đến tê liệt và tử vong. Khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, khả năng hồi phục là rất thấp.

    Hiện nay, có tất cả là 07 loại vắc xin phòng dại thế hệ mới gồm: Verorab, Abhayrab, Indirab, Rabipur, Speeda, HDCV và PCECV. Trong đó, Verorab và Abhayrab là hai loại vắc xin được lưu hành hợp pháp, sử dụng phổ biến tại Việt Nam và sở hữu khả năng bảo vệ cao. Verorab và Abhayrab đang có mặt đầy đủ tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và đang được chỉ định tiêm chủng theo phác đồ được Bộ Y Tế khuyến cáo, nhằm phù hợp hóa với thể trạng và đặc điểm sinh lý của người Việt Nam, đảm bảo được hiệu quả bảo vệ cao nhất cho người tiêm. Cụ thể về lịch tiêm phòng dại của 02 loại vắc xin này như sau:

    Lịch tiêm dự phòng trước phơi nhiễm:

    - Phương pháp tiêm: 

    + Tiêm bắp: Liều lượng 0,5 ml. 

    + Tiêm trong da: Liều lượng 0,1 ml. 

    - Phác đồ tiêm cơ bản: 

    + 03 mũi tiêm vào các ngày 0, 7 và 21 (hoặc 28). 

    + Mục đích: Kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại virus dại. 

    - Mũi tiêm nhắc: Tiêm 1 mũi sau 1 năm tiêm liều cơ bản với mục đích duy trì mức độ kháng thể bảo vệ trong cơ thể. Chu kỳ nhắc lại là 5 năm tiêm 1 lần (đối với người có nguy cơ). 

    Lịch tiêm sau phơi nhiễm: 

    - Đối với người đã tiêm dự phòng: 

    + Phương pháp tiêm: Tiêm bắp với liều lượng 0,5 ml, tiêm trong da với liều lượng 0,1 ml. 

    + Lịch tiêm: 2 mũi tiêm vào các ngày 0 và 3 với mục đích giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi virus dại. 

    - Đối với người chưa tiêm dự phòng: 

    + Phương pháp tiêm: Tiêm bắp với liều lượng là 0,5 ml (5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28). Tiêm trong da với liều lượng 2 mũi tiêm trong da, mỗi mũi 0,1 ml tại 2 vị trí khác nhau (4 lần, mỗi lần 2 mũi vào các ngày 0, 3, 7 và 28).

    Lưu ý: 

    - Lịch tiêm phòng dại có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ phơi nhiễm của mỗi người. 

    - Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa.

    - Sau khi tiêm, cần theo dõi sức khỏe và thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào.

    (3) Chó nuôi cắn người khác bị thương, người chủ bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 603 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

    - Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

    - Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 

    - Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

    - Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

    Ngoài ra, trường hợp chủ nuôi chó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa để chó cắn chết người, cụ thể:

    - Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

    - Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

    Như vậy, trường hợp không thực hiện các quy định như đeo rọ mõm cho chó do mình nuôi khi dẫn chó ra nơi công cộng mà gây ra thiệt hại cho người khác thì người chủ sở hữu có trách nhiệm phải bồi thường cho những khoản thiệt hại đó. Đối với trường hợp gây chết người, người chủ sở hữu còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

     
    2013 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (15/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận