CHỊU TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ VỀ TỘI “KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM” XOAY QUAY VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG LIÊN HOÀN Ở LONG BIÊN (HÀ NỘI)
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội sáng 29/2/2016, thông tin ban đầu xác định, người điều khiển ô tô Camry BKS 29A – 866xx gây tai nạn là Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, trú tại tổ 15, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Anh ta đã đến cơ quan công an để trình diện vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Qua tìm hiểu vụ việc trên, hậu quả của vụ tai nạn khiến cho ông Trần Viết Tiến (SN 1952, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) điều khiển xe máy chở theo cháu ruột là Trần Gia Hân (2009) xe ô tô tiếp tục đâm vào bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, trú tại phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên) khi bà Trúc đang đi bộ ngược chiều. Sau đó ô tô đâm vào gốc cây trước số nhà 25, phường Ái Mộ, đuôi xe văng ra đường va chạm với xe ô tô BKS 30A-687xx do anh Đ.M.H (SN 1978, quê Phú Thọ) điều khiển.
Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Tiến và bà Trúc tử vong tại chỗ, cháu Trần Gia Hân tử vong trên đường đi cấp cứu.
Xoay quanh vấn đề này chúng ta thường xét xem anh Nguyễn Quang Vinh có bị xử lý hình sự hay không? Và mức phạt hình sự sẽ là như thế nào? Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ bao quát hơn, thì ngoài người lái chiếc xe gây tai nạn thì còn ai phải chịu trách nhiệm về cái chết thương tâm của 3 nạn nhân này.
Qua facebook cá nhân của cô giáo Dương Kim Liên - cô giáo dạy trong trường học của 1 em học sinh bị chết trong vụ việc nêu trên đã chia sẻ, trong lúc cháu Trần Gia Hân vẫn còn sống tại vụ tai nạn, cô đã kêu gọi mọi người gọi taxi đưa cháu đến bệnh viện trước khi cấp cứu 115 đến, tuy nhiên gọi đến hai chiếc taxi thì hai chiếc taxi đều quay đầu bỏ chạy để mặc cô Liên và mọi người kêu cứu. Qua tình tiết trên, có thế thấy, thái độ vô cảm của những người lái taxi bỏ chạy kia có đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trước vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – VP Luật Newvision đưa ra quan điểm: Theo điều 102 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm như sau:
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tội này có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ, tính chất của hành vi. Không cứu giúp người khác bị nạn rõ ràng là hành vi cần phải lên án.
Để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì cần rất thận trọng xem xét nhiều yếu tố cần thiết. Trước hết hành vi này phải là cố ý không cứu người. Theo quy định tại Điều 102 BLHS, cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết.
Trong trường hợp của 2 taxi bỏ chạy không cứu người trong trường hợp này, đã đủ cấu thành tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm theo điều 102 BLHS hiện hành. Đồng thời, Luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh, hành vi vô cảm của con người không chỉ bị lên án bởi lương tâm con người mà pháp luật cũng điều chỉnh phải trừng trị những người vô cảm khi thấy người khác mà không cứu.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chưa xác định được 2 taxi bỏ chạy này.
Trong vụ việc này, qua lời chia sẻ của cô giáo Dương Kim Liên, cô giáo đã nhờ cả lực lượng an ninh. Nhưng họ cho rằng phải có nhiệm vụ “bảo vệ hiện trường” mà không đưa cháu bé đi cấp cứu. Theo Luật sư, nhiệm vụ nào sẽ được ưu tiên, thưa luật sư?
- Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Trong trường hợp này thì việc đưa người đi cấp cứu phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cần phải bảo vệ tính mạng con người cấp bách. Việc bảo vệ hiện trường lực lượng an ninh có thể thực hiện nhiều phương pháp để xử lý.
Với vụ việc cụ thể này, muốn truy trách nhiệm cho những người đã từ chối đưa cháu bé đi cấp cứu, theo luật sư cần phải làm gì? Việc đó có khó khăn không thưa luật sư?
- Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Pháp luật quy định như vậy, tuy nhiên để xử phạt hành chính và buộc tội cá nhân và tổ chức không hề đơn giản, cụ thể trong trường hợp bị xử phạt hành chính thì phải chứng minh được hành vi của người đã yêu cầu người nào đó có điều kiện mà không cứu giúp.
Trường hợp để khởi tố được thì phải chứng minh được hành vi của người tuy có điều kiện mà không cứu giúp thì cũng không hề đơn giản. Việc thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh cá nhân tổ chức nào đó có điều kiện là tương đối khó.
Tuy nhiên hoàn toàn có thể làm được nếu chúng ta thu thập đầy đủ như ghi âm, ghi hình và những người làm chứng khác, nếu các tài liện này phù hợp với nhau chúng ta có thể khởi tố hành vi của người nào đó, như vậy mới có tác dụng tuyên truyền và phòng ngừa của pháp luật ./.