Ở Việt Nam, chó được thả rông là điều hết sức bình thường, tuy nhiên hiên nay các vụ việc chó cưng cắn người xảy ra liên tiếp, thậm chí đã có nhiều vụ gây hậu quả chết người. Chủ vật nuôi lại chưa có các biện pháp để phòng tránh, vậy chó cắn người thì chủ phải chịu những trách nhiệm gì theo quy định?
Trường hợp chó cắn người thì chủ chịu những trách nhiệm nào?
Trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm làm chó cắn chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
Chủ nuôi bị phạt hành chính
Căn cứ khoản 2 theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 01 – 02 triệu đồng khi:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…
Chủ phải chịu những trách nhiệm về dân sự
Theo Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trong trường hợp này đã dẫn đến hậu quả chết người, chủ chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo Khoản 1 Điều 591 Bộ luật dân sự 2015:
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Chủ nuôi phải chịu những trách nhiệm về hình sự
Chủ vật nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa, … dẫn đế chó cắn chết người. Ở đây, nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật hình sự 2015:
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Giải quyết mâu thuẫn bằng cách thả chó cắn người bị xử lý như thế nào?
Những loài chó nguy hiểm như pitbull, becgie… có khả năng tấn công gây thương tích hoặc thậm chí gây chết người. Do đó chủ vật nuôi phải có ý thức quản lý chặt chẽ, hành vi thả chó và "điều khiển" chó tấn công người khác là đặc biệt nguy hiểm, cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hành vi “điều khiển” chó để tấn công người khác, tùy vào động cơ và mục đích phạm tội có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 hoặc tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.