Chính sách thai sản đối với trường hợp nhận con nuôi: được quy định chi tiết tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, theo đó:
Trường hợp người lao động không kể nam hay nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi và đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH cũng như khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH sẽ được hưởng các chính sách thai sản theo quy định của pháp luật.
+ Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ con nuôi: theo quy định tại Điều 36 Luật BHXH 2014 người lao động sẽ được nghỉ hưởng chế độ nuôi con nuôi cho đến khi em bé đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên còn phải xét đến trường hợp, nếu vợ hoặc chồng đều đủ điều kiện thì chỉ 1 trong 2 người được nghỉ. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 11 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng thời gian nghỉ thai sản nhưng vẫn muốn đi làm thì sẽ mất đi quyền lợi này, cũng như không được hưởng mức nghỉ thai sản, mà chỉ nhận được khoản trợ cấp nhận con nuôi.
+Trường hợp nghỉ việc theo quy định tại Điều 36 thì người nhận con nuôi vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH 2014 với mức hưởng:
“…
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản…;
...”
+ Trợ cấp: khoản trợ cấp khi nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại Điều 38 Luật BHXH 2014.
“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
...”
Như vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ thai sản mà luật BHXH quy định thì người lao động sẽ được hưởng các chính sách thai sản: được nghỉ cho đến khi em bé đủ 6 tháng tuổi, trong thời gian đó vẫn sẽ được nhận mức hưởng chế độ thai sản mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương 6 tháng trước khi nghỉ việc. Thêm vào đó sẽ được hưởng mức trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở.