Chính sách khoan hồng đặc biệt được đề nghị áp dụng cho cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #609660 18/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần


    Chính sách khoan hồng đặc biệt được đề nghị áp dụng cho cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh là gì?

    Trước khi diễn ra phiên tòa xét xử, cơ quan tố tụng đã nhận được đơn của hơn 1.200 nhà đầu tư đề nghị xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Vậy khoan hồng đặc biệt là gì? Khi nào thì áp dụng khoan hồng đặc biệt?

    (1) Chính sách khoan hồng đặc biệt là gì?

    Hiện trong hệ thống văn bản pháp luật không có định nghĩa cụ thể thế nào là “khoan hồng đặc biệt”. Tuy nhiên, tại Điều 59 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về miễn hình phạt có đề cập đến khoan hồng đặc biệt như sau:

    “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.”

    Từ quy định nêu trên, có thể hiểu chính sách khoan hồng đặc biệt là hình thức được áp dụng khi bị cáo có hành vi phạm tội nhưng có những yếu tố để được khoan hồng nhưng chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự.

    (2) Khi nào thì bị cáo được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt?

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP người phạm tội là tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ sẽ được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ Luật Hình sự 2015 đối với những trường hợp như sau:

    - Có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

    - Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp như:

    + Động cơ vì lợi ích chung: Không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Hành động xuất phát từ mong muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

    + Người phạm tội có quan hệ lệ thuộc: như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên. Không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm.

    + Khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại: Trước khi bị phát giác, người phạm tội đã chủ động khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền. Từ đó góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả, đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra. 

    + Ăn năn hối cải: sau khi bị phát hiện, người phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

    (3) Có tất cả bao nhiêu chính sách khoan hồng?

    Theo Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 thì có tất cả là 06 chính sách khoan hồng, cụ thể như sau:

    Phạt tù cho hưởng án treo (Điều 65 Bộ Luật hình sự 2015)

    Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

    Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

    Người được áp dụng hình thức khoan hồng này phải đáp ứng được điều kiện được quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP.

    Cải tạo không giam giữ (Điều 36 Bộ Luật Hình sự 2015)

    Hình thức xử phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ Luật Hình sự 2015 quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.  Tòa án có trách nhiệm giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. 

    Bên cạnh đó, gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục. Đặc biệt là trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước (việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng). Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. 

    Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần (không áp dụng với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng).

    Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68 Bộ Luật Hình sự 2015)

    Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 67 của Bộ Luật Hình sự 2015, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.  

    Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

    Giảm hình phạt đã tuyên (Điều 105 Bộ Luật Hình sự 2015)

    Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.  

    Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.  

    Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

    Tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 106 Bộ Luật Hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP)

    Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62 Bộ Luật Hình sự 2015)

    - Được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

    - Bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp:

    Sau khi bị kết án đã lập công.

    Mắc bệnh hiểm nghèo.

    Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

    Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

    Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế nếu như đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt mà Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

    Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

     
    495 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận