Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Qua đó, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024. Trong đó nổi bật là nội dung kiên quyết không để thiếu điện, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Chính phủ chỉ đạo kiên quyết không để thiếu điện, bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Theo Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024 đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phối hợp thực hiện về nội dung:
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; sẵn sàng phương án cung ứng, huy động tất cả các nguồn điện có thể, chủ động trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, nhất là thời gian cao điểm nắng nóng; triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành, khai thác.
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến mại, kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
AI sẽ có thẩm quyền điều hành giá điện?
Theo Điều 31 Luật Điện lực 2004 được bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật Điện lực sửa đổi 2012 quy định về giá bán điện như sau:
- Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Điện lực 2004.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
- Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Điện lực 2004.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
- Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
- Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố phù hợp với quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 21 Luật Điện lực 2004.
Như vậy, đối với giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Ai có thẩm quyền điều hành giá xăng dầu?
Theo điểm 1, 2, 4, 5 khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc điều hành giá xăng dầu như sau:
- Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
- Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.
- Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
- Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường.”
Như vậy, dưới sự điều tiết của Nhà nước, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội.
Ngoài ra, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.