Luật sư Đoàn Khắc Độ
Vụ án “con ruồi 500 triệu” với bản án 7 năm tù đối với Võ Văn Minh có nhiều luồng ý kiến pháp lý trái chiều trong giới chuyên gia cũng như người dân.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh và một số chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi của anh Minh không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, mà đó là thỏa thuận dân sự với Tân Hiệp Phát để mua lại chai nước có con ruồi.
Hành vi của Võ Văn Minh có phải "thỏa thuận" hợp pháp hay không?
“Theo tôi, cần đánh giá sự việc một cách toàn diện, đúng bản chất, không cắt khúc cái sự “thỏa thuận” ra khỏi tổng thể của sự việc.
Nếu cho rằng thỏa thuận giữa anh Minh và Tân Hiệp Phát là hợp đồng dân sự thì rõ ràng đối tượng của hợp đồng này là “sự im lặng”.
Hay nói một cách khác, anh Minh nhận 500 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát để giữ im lặng về chai nước có con ruồi.
Liệu “hợp đồng” này có phù hợp với quy định của pháp luật?
Chúng ta biết rằng, không phải thỏa thuận nào cũng là hợp đồng. Một thỏa thuận được xem là hợp đồng, trước hết, nó phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS).
Một thỏa thuận mà trái với pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì không thể là hợp đồng.
Xét dưới góc độ đạo đức xã hội, hành vi đòi 500 triệu để đổi lấy sự im lặng thì cũng không chấp nhận được.
Anh Minh có biết rằng, anh im lặng để lấy 500 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát, nhưng chính sự im lặng của anh có thể gián tiếp làm cho rất nhiều người dân khác bị ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe vì những chai nước không đảm bảo chất lượng này không?
Xét dưới góc độ pháp lý, anh Minh có thực hiện đúng các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng hay chưa?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) và Luật An toàn thực phẩm (Luật ATTP) quy định cho nhà sản xuất nghĩa vụ đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, luật cũng quy định cho người tiêu dùng nghĩa vụ phải thực hiện khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, khoản 2, Điều 9 Luật BVQLNTD quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng:
“Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.
Điểm b, khoản 2, Điều 9 Luật ATTP quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm:
“Kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Ở đây, khi phát hiện chai nước có ruồi, anh Minh không thực hiện các quy định vừa nêu trên mà gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát buộc công ty này phải giao cho Minh 1 tỉ đồng rồi hạ xuống 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước có con ruồi và sự im lặng.
Nếu không sẽ khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng, đăng tải trên báo chí, chương trình 60s và in phát 5.000 tờ rơi.
Chưa xét đến quan hệ pháp luật hình sự, hành vi của anh Minh cũng đã vi phạm các quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng vừa nêu ở trên.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 55 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Điều 31 Luật BVQLNTD; Điều 605 BLDS, thì anh Minh có quyền thương lượng với Tân Hiệp Phát để giải quyết việc đổi trả, đền bù, bồi thường chai nước có con ruồi.
Nhưng cần lưu ý rằng, thương lượng phải dựa trên cơ sở quyền, lợi ích hợp pháp của anh Minh bị xâm hại và phải hoàn toàn tự nguyên, không được đe dọa, ép buộc.
Tuy nhiên anh Minh yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa tiền không dựa trên cơ sở thiệt hại do quyền, lợi ích bị xâm phạm và đồng thời có sự đe dọa: “kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng, đăng tải trên báo chí, chương trình 60s và in phát 5.000 tờ rơi”.
Qua những phân tích trên, có thể thấy rằng hành vi của anh Minh đã vượt quá phạm vi của một thỏa thuận trong giao dịch dân sự.
Hành vi của Võ Văn Minh có cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản?
Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, Tân Hiệp Phát là pháp nhân (không phải là “người”) không có “tinh thần” nên không phải là đối tượng bị tác động bởi hành vi đe dọa của anh Minh. Do đó anh Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo tôi, Tân Hiệp Phát là pháp nhân nhưng sự hoạt động của pháp nhân này là do con người điều hành.
500 triệu là tài sản của pháp nhân nhưng để định đoạt 500 triệu đồng này phải do người có trách nhiệm trong pháp nhân đó quyết định.
Hành vi của anh Minh là đe dọa tinh thần của người có trách nhiệm đối với 500 triệu đồng này (người này có thể không phải chủ sở hữu).
Và người có trách nhiệm này sẽ quyết định có giao tiền cho anh Minh hay không.
Theo cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS) thì người bị đe dọa có thể là chủ sở hữu tài sản hoặc cũng có thể là người có trách nhiệm về tài sản.
Có ý kiến khác cho rằng, đại diện của Tân Hiệp Phát không thừa nhận chai nước có ruồi là của mình, thì Tân Hiệp Phát không lo sợ mất uy tín.
Do đó anh Minh không thể làm cho Tân Hiệp Phát lo sợ nên không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo tôi, tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, thể hiện rõ trong điều luật bởi cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Người thực hiện tội phạm chỉ cần có hành vi “uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” thì tội phạm đã hoàn thành.
Do đó yếu tố có chiếm đoạt được tiền hay không, hay là người bị hại có lo lắng, sợ hãi hay không cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Lời đe dọa của anh Minh có thể làm cho người có trách nhiệm của Tân Hiệp Phát lo sợ hoặc cũng có thể không.
Cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản không bắt buộc người bị đe dọa phải lo sợ.
Khi anh Minh gọi điện yêu cầu Tân Hiệp Phát giao tiền và nghĩ rằng Tân Hiệp Phát lo sợ mất uy tín nên sẽ giao tiền, thì tội phạm đã hoàn thành.
Tôi cũng như bao nhiêu người dân khác trong cả nước, rất thông cảm, chia sẻ và đau xót cho trường hợp của anh Minh.
Nhưng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ai vi phạm pháp luật cũng đều bị xử lý".
Cập nhật bởi lskhacdo ngày 30/09/2017 11:33:45 SA
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn