Chào bạn, Luật Gia Phát xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp chúng tôi hiểu được rằng bạn và 01 bạn nữa (sau đây gọi là A) muốn thành lập công ty. Và A muốn tỷ lệ vốn góp là A 90%, bạn 10%.
Đối với trường hợp công ty chỉ có 02 thành viên là bạn và A thì hai bạn chỉ có thể thành lập một trong hai loại hình doanh nghiệp sau:
+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên: là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trongphạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp 2014.
+ Công ty hợp danh: là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Đối với tỷ lệ vốn góp: A 90%, bạn 10%: tức là trong số vốn điều lệ của Công ty, A sẽ là người góp 90% vốn điều lệ và bạn sẽ là người góp 10% vốn điều lệ. Theo đó:
+ Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, ngoài chế độ chịu trách nhiệm đã nêu ở trên, tỷ lệ vốn góp sẽ phản ảnh quyền quyết định các hoạt động của Công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì quyết định của Hội đồng thành viên sẽ được thông qua khi được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, một số trường hợp quan trọng là ít nhất 75%; Ngoài ra, tỷ lệ góp vốn còn là căn cứ phân chia lợi nhuận khi công ty kinh doanh có lãi, hiểu đơn giản là góp vốn càng nhiều thì được phân chia lợi nhuận càng nhiều.
+ Đối với công ty hợp danh: tỷ lệ vốn góp không quyết định nhiều đến các hoạt động của công ty nhưng tỷ lệ này sẽ là căn cứ đề phân chia lợi nhuận khi Công ty kinh doanh có lãi.
Trên đây là trả lời của Luật Gia Phát đối với vấn đề bạn đang quan tâm. Trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Trân trọng!