Tăng cường giãn cách xã hội tại TP. HCM - Minh họa
Đây là hai trong số những nội dung quan trọng được nêu tại Chỉ thị 11/CT-UBND về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa được ban hành ngày 22/8/2021 sau khi Thủ tướng có Công điện 1099/CĐ-TTg về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện… tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể:
1. Thực hiện “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch. Qua đó, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”. Lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.
2. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ra quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn. Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội.
3. Đồng thời tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
4. Thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Công tác này giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức thực hiện.
5. Tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Trong đó, thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tổ chức các hình thức tiêm vắc xin phù hợp với các khu phong tỏa, chung cư với thời gian linh hoạt; các đội tiêm chủng vắc xin phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị, quần áo bảo hộ.
Ngoài ra, các địa phương thành lập thêm 400 Trạm y tế lưu động; được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh; đảm bảo hoàn tất trước ngày 27-8.
6. Đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn giãn cách với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
7. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
8. Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy kiên quyết đấu tranh, phản bác, xử lý kịp thời các thông tin sai trái, xấu độc.