Hiện nay nhiều trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty vi phạm thì sẽ tiến hành xử phạt công ty hay chi nhánh, văn phòng đại diện?
Xử phạt công ty hay chi nhánh khi chi nhánh vi phạm hành chính?
Tại điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có nêu tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Vậy trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân mà vi phạm thì sẽ xử phạt pháp nhân hay đơn vị phụ thuộc đó. Nội dung này được đề cập cụ thể theo Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính:
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.
Như vậy, vệc tiến hành xử phạt doanh nghiệp hay chi nhánh thì phải căn cứ việc thực hiện hành vi vi phạm này có thuộc phạm vi, thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hay có tuân theo sự phân công của pháp nhân hay không.
Cán bộ, công chức vi phạm hành chính có bị xử phạt?
Tại Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Còn nếu như vi cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành khác không thuộc công vụ, nhiệm vụ thì vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, với đối tượng là hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.