Hợp đồng BCC là gì? Đối tượng tham gia hợp đồng BCC gồm những ai? Chi nhánh được ký hợp đồng BCC với một đơn vị khác để thực hiện dự án không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Hợp đồng BBC là gì?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có giải thích, hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Theo đó, hợp đồng BCC cho phép các nhà đầu tư hợp tác trong một lĩnh vực cụ thể mà vẫn giữ nguyên quyền sở hữu và quản lý của mình.
Hợp đồng BCC phù hợp với những doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn hợp tác trong một dự án cụ thể mà không muốn ràng buộc vào một cấu trúc pháp lý phức tạp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công của hợp đồng, các bên cần phải thỏa thuận rõ ràng về các điều khoản, quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Có thể thấy, hợp đồng BCC là một công cụ hữu ích trong việc tạo ra cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư mà không cần phải thành lập một tổ chức mới. Nó mang lại nhiều lợi ích như tính linh hoạt và khả năng chia sẻ rủi ro, nhưng cũng cần phải được quản lý cẩn thận để tránh các tranh chấp phát sinh.
(2) Đối tượng tham gia hợp đồng BCC gồm những ai?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020, đối tượng tham gia ký kết hợp đồng BCC được quy định bao gồm:
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư 2020.
Như vậy, hợp đồng BCC mở ra cơ hội hợp tác đa dạng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh mà không cần thành lập tổ chức kinh tế mới.
(3) Chi nhánh được ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với một đơn vị khác để thực hiện dự án không?
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
“Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”
Bên cạnh đó, tại Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định:
- Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
- Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
- Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
- Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
- Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, tuy chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không phải là pháp nhân nhưng chi nhánh có thể thực hiện chức năng đại diện doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh có quyền thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của doanh nghiệp trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
Tuy nhiên, người đứng đầu chi nhánh không tự động có quyền đại diện cho chi nhánh trong việc ký kết hợp đồng BCC; quyền này chỉ phát sinh khi được ủy quyền bởi người đại diện của công ty.
Phạm vi ủy quyền sẽ do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, công ty có quyền hủy bỏ ủy quyền đã cấp cho người đứng đầu chi nhánh.
Tổng kết lại, chi nhánh doanh nghiệp hoàn toàn được phép ký kết hợp đồng BCC nếu việc ký kết này nằm trong phạm vi công việc được doanh nghiệp ủy quyền.