Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định về đăng ký hoạt động chi nhánh được căn cứ theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020.
1. Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.
2. Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề khác với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ tục bổ sung ngành, nghề.
Từ quy định trên, có thể xác định hồ sơ thành lập chi nhánh bao gồm thông báo thành lập, quyết định thành lập và giấy tờ pháp lý của người đứng đầu. Hồ sơ không đề cập đến yêu cầu về giấy phép con của ngành, nghề kinh doanh, vì giấy phép này đã được cấp cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh.
Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chi nhánh, đây đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp về tư cách pháp lý, tài chính…và không có tư cách pháp nhân. Do đó, khi Công ty thành lập một chi nhánh hạch toán độc lập tại tỉnh khác thì không thực hiện xin giấy phép con cho chi nhánh, mà vẫn tiếp tục thực hiện chức năng kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký của doanh nghiệp (cung ứng nhân lực).