Chỉ giới, lộ giới là những tiêu chí kỹ thuật mà chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công cần phải nắm rõ khi thiết kế, xây dựng nhà ở nếu không muốn gặp rắc rối với cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về hai khái niệm này.
Lộ giới, chỉ giới xây dựng - Minh họa
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật xây dựng 2014 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD thì:
- Chỉ giới đường đỏ (hay còn gọi là lộ giới) là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng nhà ở và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
Độ rộng của lộ giới được tính từ tâm (tim) đường kéo dài sang hai bên.
- Chỉ giới xây dựng là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất cho phép xây dựng nhà ở, gồm cả phần nổi và phần ngầm, với phần đất lưu không.
Hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa về “đất lưu không”, nhưng trong thực tế, nó thường được hiểu như là hành lang an toàn giao thông, phần đất xây dựng công trình thủy lợi, xử lý nước thải, điện lưới…
Lộ giới và chỉ giới có thể trùng nhau hoặc cách nhau một cự ly nhất định. Khoảng không gian nằm giữa hai đường ranh giới này được khoảng lùi.
Tùy thuộc vào lộ giới và chiều cao công trình muốn xây dựng mà khoảng lùi này dao động từ 0m đến 6m. Thông số chi tiết được quy định tại Mục 2.6.2 QCKTQGVQHXD ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BXD.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì người nào có hành vi xây dựng nhà ở vi phạm chỉ giới xây dựng có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng. Nếu là tổ chức thực hiện thì mức phạt nhân đôi.
Ngoài ra còn bị buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều này.