Chế độ tử tuất, trong đó bao gồm trợ cấp mai táng được quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 và được hướng dẫn bởi Nghị định 115/2015/NĐ-CP; Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó:
“Chế độ tử tuất là chế độ bảo hiểm xã hội bù đắp phần thu nhập của người lao động dung để đảm bảo cuộc sống cho nhân thân họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết”.
Về điều kiện hưởng chế độ tử tuất, Khoản 1 Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
« 1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Đang hưởng lương hưu;
c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên ».
Ngoài ra, điều kiện để nhân thân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và các quy định liên quan được quy định tại Điều 67 Luật BHXH và hướng dẫn bởi Điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp tuất hàng tháng, các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần, mức trợ cấp tuất một lần được quy định cụ thể tại Điều 68, Điều 69, Điều 70, Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn bởi Điều 26, 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Về hồ sơ hưởng chế độ tử tuất, Điều 111 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:
1. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
c) Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;
d) Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 104 của Luật này; bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;
đ) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng hoặc người đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bao gồm:
a) Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Về trợ cấp mai táng, Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
« 1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
Mức hưởng chế độ mai táng như sau :
« 2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.
3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này ».
Ngoài ra trợ cấp mai táng còn được hướng dẫn bởi Điều 24 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Trên đây, là các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tử tuất cũng như trợ cấp mai táng, nguời lao động và ngừoi thân cần biết để đảm bảo quyền lợi cho mình.