Theo quy định tại Điều 2 và Khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định cụ thể như sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ là gì? Doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Về chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định theo Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế hoặc, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP thì đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, cụ thể:
"1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
2. Phụ trách kế toán:
[…] b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng."