Cháu Thẩm phán cưới người thân bị hại, có được hoãn phiên tòa?

Chủ đề   RSS   
  • #497173 17/07/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Cháu Thẩm phán cưới người thân bị hại, có được hoãn phiên tòa?

    Mới đây, ngày 16/07/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự, xét xử sơ thẩm vụ án giết người đối với cáo Phan Đình Quảng. Tại phiên tòa, ông Phan Đình Bình (bố của bị cáo Quảng) có đơn xin thay đổi thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa vì ông Bình cho rằng: một người cháu của thẩm phán phiên tòa này đã kết hôn với một người họ hàng của gia đình bị hại nên sẽ không đảm bảo được sự khách quan trong quá trình xét xử.

    HĐXX sơ thẩm đã tạm dừng phiên Tòa và đã vào hội ý rồi quyết định chấp nhận nội dung đơn của ông Bình. Do quá gấp, không thể bố trí được thẩm phán khác tiếp tục xét xử nên HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa. HĐXX công bố phiên Tòa sẽ được mở lại trong thời gian một tháng tới. (Nguồn thông tin: Báo Pháp luật)

    Đại diện hợp pháp của người bị hại và bị cáo Quảng tại phiên tòa.

    Theo đó, về cơ bản hoãn phiên tòa được hiểu là việc dừng xét xử tại phiên tòa đang diễn ra, dời thời gian xét xử lại và phiên tòa sẽ được mở lại vào một thời điểm sau đó. Khác với tạm ngưng phiên tòa, mọi trình tự và thủ tục tại phiên tòa mở lại sẽ vẫn phải diễn ra đầy đủ (tức là tổ chức lại từ đầu) chứ không phải phiên tòa trước đó dừng ở thủ tục nào thì khi mở lại sẽ tiếp tục bắt đầu từ thủ tục đó.

    Bài viết dưới đây mình sẽ tổng hợp các trường hợp phải tiến hành hoãn phiên tòa sơ thẩm theo quy định hiện hành tại 03 Bộ luật tố tụng: (1) Hình sự; (2) Dân sự và (3) Hành chính.

     

    PHIÊN TÒA SƠ THẨM HÌNH SỰ

    ***Căn cứ hoãn:

    -Trường hợp 1: Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

    -Trường hợp 2: Thay đổi Thẩm phán, Hội Thẩm.

    Và, về đại thể thì người tiến hành tố tụng sẽ phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

    (1) Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.

    (2) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.

    (3) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ: Đối với căn cứ này thì phải có căn cứ, tài liệu,… rõ ràng để chứng minh rằng người tiến hành tố tụng sẽ không vô tư khi làm nhiệm vụ. Trong Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn phần thứ nhất Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định căn cứ này được hiểu là: “trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm là anh em kết nghĩa của bị can, bị cáo; Thẩm phán là con rể của bị cáo; người bị hại là Thủ trưởng cơ quan, nơi vợ của Thẩm phán làm việc... mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế..... Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên tòa xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên, thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau.”

    Mặc dù Nghị quyết 03 đã hết hiệu lực thi hành nhưng về cơ bản chúng ta có thể dựa trên tinh thần của nội dung quy định trên để hiểu rõ hơn về căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng này.

    Tương tự đối với trường hợp mình đã đưa ra ở đầu bài viết, ở đây xảy ra việc một người cháu của thẩm phán phiên tòa này đã kết hôn với một người họ hàng của gia đình bị hại (tức sẽ có quan hệ họ hàng với nhau). Chính vì vậy, với yêu cầu thay đổi Thẩm phán chủ tọa thì ngoài việc chứng minh quan hệ hiện hữu trên giữa Thẩm phán và bị hại thì ông Bình (bố bị cáo) cũng sẽ phải đưa ra căn cứ rõ ràng để chứng minh Thẩm phán sẽ không vô tư khi làm nhiệm vụ - đây chính là cơ sở để đưa đến quyết định hoãn phiên tòa của Hội đồng xét xử.Hai trường hợp trên nhìn chung áp dụng tương tự trong tố tụng dân sự. Các căn cứ thay đổi được quy định cụ thể tại Điều 52, 53 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    -Trường hợp 3: Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử:

    Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Hội đồng xét xử có hai Thẩm phán mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.

    Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 4: Sự có mặt của Kiểm sát viên

     Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

    Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 5: Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

    Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 6: Sự có mặt của người bào chữa

     Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án.

    +Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

    + Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.

    -Trường hợp 7: Sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

    Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

    -Trường hợp 8: Sự có mặt của người làm chứng

    Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

    -Trường hợp 9: Sự có mặt của người giám định, người định giá tài sản

    Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

    -Trường hợp 10: Sự có mặt của người phiên dịch, người dịch thuật

    Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 11: Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.

    - Trường hợp 12: Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại.

    - Trường hợp 13: Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

    ***Thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

     

    PHIÊN TÒA SƠ THẨM DÂN SỰ

    ***Căn cứ hoãn:

    Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau

    -Trường hợp 1: Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:

    Nếu có căn cứ thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi.

    Và, về đại thể thì người tiến hành tố tụng sẽ phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

    (1) Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.

    (2) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.

    (3) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ: 

    Ngoài ra, đối với mỗi vị trí người tiến hành tố tụng khác nhau: Hội thẩm, Thư ký, Thẩm tra viên hay Thẩm Phán thì sẽ còn các các căn cứ thay đổi riêng biệt khác ngoài 03 căn cứ chung mình đã đề cập ở trên, các bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 53, 54 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

    -Trường hợp 2: Thay đổi kiểm sát viên, Kiểm tra viên

    Trường hợp này tương tự trường hợp thứ nhất. Nếu Kiểm sát viên hay Kiểm tra viên rơi vào căn cứ phải tiến hành từ chối hoặc bị thay đổi thì Hội đồng xét xử cũng sẽ phải ra quyết định hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 3: Thay đổi người giám định, người phiên dịch:

    Tại phiên tòa, phiên họp, việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp.

    Trong đó:

             +  Người giám định phải từ chối giám định hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

    a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 52 của Bộ luật này và tại Điều 34 của Luật giám định tư pháp;

    b) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

    c) Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

            + Người phiên dịch phải từ chối phiên dịch hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

    a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 52 của Bộ luật này;

    b) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó;

    c) Họ đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

    -Trương hợp 4Sự vắng mặt của đương sự, người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

    + Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất: đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    + Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai:đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 5Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 6Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 7Trường hợp người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 8Vắng mặt người tham gia tố tụng không thuộc trường hợp hoãn phiên tòa.

    Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật này quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

    -Trường hợp 9Thay thế thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt

    Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết thì những người này được tham gia xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.

    Trường hợp không có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử hoặc phải thay đổi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy trên thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

    ***Thời hạn hoãn: không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

     

    PHIÊN TÒA SƠ THẨM HÀNH CHÍNH

    ***Căn cứ hoãn:

    -Trường hợp 1: Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử

     Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế thành viên Hội đồng xét xử vắng mặt để tham gia xét xử vụ án.

    Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử theo quy định trên thì phải hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 2: Sự có mặt của Thư ký Tòa án

    Trường hợp Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 3: Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

    Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    -Trường hợp 4: Sự có mặt của người phiên dịch

    Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

    -Trường hợp 5: Thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay.

    Trong đó, căn cứ chung thì gười tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

    a)Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.

    b)Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó.

    c)Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện.

    d)Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.

    e)Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện.

    f)Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện.

    g)Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bị khởi kiện.

    h)Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

    Người phiên dịch phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

    a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;

    b) Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó;

    c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

    d) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

    -Trường hợp 6: Trường hợp phải tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 170:Trường hợp tại phiên tòa có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu theo quy định của Luật này; nếu không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.

    Trường hợp có ý kiến về người giám định vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này, Hội đồng xét xử phải xem xét; nếu có căn cứ thì quyết định tiến hành giám định lại theo quy định của pháp luật.

    ***Thời hạn hoãn: không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa, trừ phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn là 15 ngày.

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 17/07/2018 12:11:49 SA
     
    1951 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận