Chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa ngoài đường bị xử phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #615502 22/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa ngoài đường bị xử phạt thế nào?

    Thời gian qua, tình trạng lợi dụng trẻ em để trục lợi vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại TPHCM. Vậy hành vi chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa ngoài đường bị xử phạt thế nào?

    (1) Chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa ngoài đường bị xử phạt thế nào?

    Ngày nay, tại các thành phố lớn như TP.HCM, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em đang lao động, mưu sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, ở lứa tuổi mà đáng lẽ các em phải được gia đình chăm sóc, được học tập và vui chơi thay vì phải vất vả kiếm sống bằng việc xin ăn, thổi lửa.

    Cách đây ít lâu, có một đoạn clip quay lại sự việc một đồng chí Công an đã bắt gặp một nhóm trẻ em vị thành niên đang thổi lửa kiếm sống trong đợt kiểm tra an ninh trật tự tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

    Do nghi ngờ các em bị chăn dắt nên đồng chí công an này đã giữ các lại em để làm rõ vụ việc. Tuy nhiên trong quá trình đưa các em về trụ sở làm việc thì đã bị nhiều người dân vây quanh và ngăn cản.

    Trước sự ngăn cản đó, đồng chí công an đã dừng lại để giải thích trong sự bất lực: “Có ai con nít mà cầm lửa ra thổi ngoài đường không, giờ này nó phải đi học" với ánh mắt như muốn khóc.

    Nhiều bình luận bên dưới bày tỏ sự nghẹn ngào khi thấy sự bất lực của đồng chí công an trước việc bảo vệ trẻ em khỏi nạn chăn dắt thổi lửa, đồng thời cũng kêu gọi lên án những người chăn dắt trẻ em.

    Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi.

    Theo khoản 7 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

    Và tại khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016, hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

    Vì thế, người nào có hành vi chăn dắt trẻ em xin ăn, thổi lửa để trục lợi, bóc lột thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

    Về hành chính:

    - Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ em đi xin ăn, sử dụng trẻ em để xin ăn (khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 20 đồng đến 25 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) khi có hành vi lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (đểm b khoản 3, khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em khi có hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin, thổi lửa (điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).

    Về trách nhiệm hình sự

    Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 chưa quy định một tội danh nào cho hành vi chăn dắt trẻ em để trục lợi.

    Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ cụ thể của hành vi trên thực tế mà người chăn dắt trẻ em ăn xin, thổi lửa có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như:

    - Tội hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm tù (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015,sửa đổi 2017).

    - Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù (Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)

    - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)

    Đồng thời thì việc phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

    Ngoài ra, nếu người chăn dắt trẻ em là cha, mẹ ruột thì cha mẹ có thể không được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

    (2) Tổng đài bảo vệ trẻ em

    Hành vi chăn dắt, ép buộc trẻ em ăn xin, đặc biệt là các hình thức nguy hiểm như thổi lửa giữa đường, là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại đến quyền trẻ em và gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

    Các hình phạt hiện hành đã được tăng cường, tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng và cả sự thay đổi nhận thức của từng cá nhân.

    Được biết trước đó, TPHCM cũng như các tỉnh, thành khác đã có nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em lang thang như tập trung trẻ em lang thang vào các cơ sở bảo trợ xã hội để các em có điều kiện ăn, học, sinh hoạt,.. tốt nhất. 

    Do đó, khi người dân phát hiện thì cần kịp thời báo với chính quyền địa phương, các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc tổng đài bảo vệ trẻ em 111 hoạt động miễn phí 24/7 để có biện pháp ngăn chặn, xử lý và bảo vệ trẻ em.

     
    300 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận