Hiện nay, không hiếm khi bắt gặp những trường hợp người khác tự ý trồng cây lấn sang đất hoặc trồng trên phần đất trống thuộc đất của mình. Lâu ngày khi cây đã lớn thì phần cây này có thuộc quyền sở hữu của mình hay không?
Nhiều người lợi dụng lòng tin để trồng cây nhờ trên phần đất trống chưa được sử dụng, qua đó thực hiện việc hiện tranh chấp đất đai với chủ sở hữu quyền sử dụng đất, tình huống này giải quyết thế nào?
1. Giấy chứng nhậnQSDĐ là vật quan trọng khi có tranh chấp
Khi hàng xóm hoặc người lạ trồng cây lên phần đất của mình mà chưa có rào chắn và được sự cho phép hoặc không cho phép sau khoản thời gian đủ lâu cây trồng đã lớn mà người trồng cây có ý định chiếm đất làm tài sản của mình.
Thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gọi tắt là (QSDĐ) chính là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp và công nhận.
Qua đó, nếu người có quyền sử dụng đất tranh chấp đất đai tại tòa sẽ được pháp luật bảo vệ nếu chủ sử dụng đất đai có đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp.
2. Người có QSDĐ được phép thực hiện những gì?
Căn cứ Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định về những quyền chung đối với người được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì người có QSDĐ sẽ được phép thực hiện đối với phần đất của mình cụ thể như sau:
- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm QSDĐ hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Do đó, người có QSDĐ hợp pháp sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền lợi của mình bởi mảnh đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và người có đất sẽ có toàn quyền thực hiện những hành vi pháp luật cho phép trong quá trình sử dụng đất và những chủ thể khác phải tôn trọng quyền này.
3. Có được chặt cây người khác trên đất của mình?
Theo Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản mà người có QSDĐ hợp pháp cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật.
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải thực hiện tranh chấp thông qua việc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Do đó, nếu tự ý chặt cây của người khác trên đất của mình thì người này cũng đã vi phạm pháp luật về hành vi hủy hoại tài sản của người khác, vì thế chủ thể có tài sản bị xâm hại không nên tự ý thực hiện.
4. Mức phạt đối với hành vi tự ý chặt cây không đúng quy định
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Lưu ý: Tổ chức có hành vi vi phạm tương tự như cá nhân thì mức phạt gấp 02 lần số tiền trên.
Như vậy, cây của người khác trồng trên phần đất của người có QSDĐ hợp pháp là sai quy định pháp luật, tuy nhiên chúng ta không nên tự ý giải quyết vụ việc bằng tranh chấp cá nhân mà nên thông qua phương pháp hòa giải và khiếu kiện.