Hiện nay, có rất nhiều trường hợp cả cá nhân và tổ chức bị cơ quan thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng lại cố tình không thực hiện quyết định đó, gây khó khăn trong quá trình xử lý. Vậy thì để khắc phục tình trạng này, pháp luật Việt Nam có quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự giác thi hành quyết định thì rõ ràng cần biện pháp mạnh hơn, cần cưỡng chế để thi hành được quyết định xử phạt.
Theo quy định của pháp luật thì việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
“Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.”
Trong các biện pháp cưỡng chế này thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp với đối tượng đang bị cưỡng chế, tránh trường hợp sử dụng biện pháp cưỡng chế không phù hợp và không thực hiện việc cưỡng chế được.
Ví dụ trường hợp người bị cưỡng chế có nhiều tài sản, có thể kê biên nhưng lại đi sử dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương khi người này làm lương thấp, không cố định. Thì kết quả là có thể giảm hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành. Vậy nên trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện việc cưỡng chế cần xác định rõ đối tượng để có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp nhất.
Cập nhật bởi Tinh1445 ngày 19/06/2019 09:20:26 CH