Rượu là "chất dẫn" để con người cởi mở với nhau hơn. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lạm dụng điều này và dùng rượu như thứ để thể hiện đẳng cấp. Người nào uống được cảm thấy tự hào hơn vì họ cho thế là hay. Rồi họ cố ép những người không muốn uống hoặc tửu lượng kém hơn mình.
Dưới góc độ pháp luật quy định vê hành vi ép uống rượu như thế nào
Thứ nhất, Pháp luật có cấm việc ép người khác uống rượu bia hay không?
Căn cứ Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
….
Như vậy, theo quy định trên hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là hành vi đã bị pháp luật nghiêm cấm.
Thứ hai, Ép người khác uống rượu, bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
- Ép buộc người khác uống rượu bia.
Theo đó, Người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Do đó, Bia rượu không phải là thang đo giá trị con người; bia rượu cũng không phải biểu tượng của tình cảm con người dành cho nhau; và, việc ép rượu bia là hành động cần lên án thay vì những cái gật đầu cả nể.