Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Dự thảo do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ thay thế Nghị định 59/2022/NĐ-CP. Đáng chú ý, tại Dự thảo, Bộ Công an đã bổ sung quy định về cấp tài khoản định danh điện tử cho trẻ em. Cụ thể như sau.
(1) Cấp tài khoản định danh cho trẻ dưới 06 tuổi
Theo Điều 11 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Sang đến Dự thảo, nội dung trên được đề xuất mở rộng ra như sau:
- Công dân từ đủ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02.
- Công dân dưới 06 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01.
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới 06 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01; từ đủ 06 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02.
- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử của cơ quan, tổ chức không phân phân biệt theo mức độ.
(2) Các mức độ của tài khoản định danh điện tử
Theo Dự thảo, các mức độ của tài khoản định danh điện tử như sau:
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 01 của công dân Việt Nam, người nước ngoài được sử dụng để truy cập, khai thác, sử dụng thông tin về danh tính điện tử, các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử, hệ thống thông tin khác.
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 02 của công dân Việt Nam được sử dụng để truy cập, khai thác, sử dụng căn cước điện tử, thông tin khác được chia sẻ, tích hợp, cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (ngoài thông tin đã tích hợp vào căn cước điện tử) và các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử, hệ thống thông tin khác.
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 02 của người nước ngoài, tài khoản định danh điện tử của tổ chức được sử dụng để truy cập, khai thác, sử dụng thông tin được chia sẻ, tích hợp, cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử, hệ thống thông tin khác.
Về những thay đổi nêu trên, Bộ Công an cho biết, tại Điều 19 Luật Căn cước 2023 có quy định về việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Theo đó, việc bổ sung quy định về đối tượng, trình tự cũng như các thủ tục về cấp tài khoản định danh điện tử là cần thiết để phù hợp với quy định của Luật Căn cước 2023 khi Luật này chính thức có hiệu lực thi hành vào 01/07/2024.
(3) Trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định về các thông tin được dùng để tạo lập tài khoản bao gồm:
- Đối với cá nhân: số định danh cá nhân, số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử.
- Đối với cơ quan, tổ chức: số định danh của cơ quan, tổ chức, mã số thuế, mã số doanh nghiệp, mã định danh điện tử.
Về trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử được Dự thảo quy định thực hiện như sau:
- Mức độ 1:
+ Người dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).
+ Tại đây, tiến hành nhập thông tin về số định danh cá nhân, số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử của người dân (nếu có); kê khai thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng định danh quốc gia.
+ Thu nhận ảnh khuôn mặt thông qua thiết bị di động (áp dụng đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên) và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
+ Cơ quan quản lý kiểm tra, xác thực thông tin người dân đề nghị cấp tài khoản và thông báo kết quả qua VNeID hoặc qua số thuê bao di động chính chủ hoặc địa chỉ thư điện tử.
Trường hợp công dân dưới 14 tuổi: Người đại diện, người giám hộ sử dụng số thuê bao di động chính chủ của mình và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của mình để kê khai, đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1.
- Mức độ 2:
+ Người dân đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp căn cước để làm thủ tục.
+ Tại đây, người dân xuất trình căn cước, cung cấp số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử của công dân (nếu có) và đề nghị tích hợp thông tin vào căn cước điện tử nếu có nhu cầu.
+ Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin người dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; xác thực ảnh khuôn mặt, vân tay của người dân đến làm thủ tục với cơ sở dữ liệu căn cước. Người dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
+ Cơ quan quản lý kiểm tra, xác thực thông tin người dân đề nghị cấp tài khoản mức độ 2 và thông báo kết quả qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc số thuê bao di động chính chủ hoặc địa chỉ thư điện tử.
Trường hợp công dân từ đủ 06 đến dưới 14 tuổi: Cùng người đại diện hoặc người giám hộ của mình đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Tại đây, người đại diện, người giám hộ sử dụng số thuê bao di động chính chủ của mình để kê khai, đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Trường hợp chưa được cấp căn cước thì thực hiện đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử đồng thời với việc thực hiện thủ tục cấp căn cước.