Chứng kiến cảnh nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may và nguyên phụ liệu Việt Nam loay hoay không biết xoay chuyển chiến lược kinh doanh như thế nào để tận dụng các cơ hội tốt từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một doanh nhân có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị.
Khi theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng trên VTV1 vào Chủ nhật (24/1) vừa qua về tình huống một công ty đang xảy ra bất đồng giữa các cổ đông về việc công ty có nên từ bỏ sản xuất may mặc để chuyển làm công nghiệp phụ trợ nguyên liệu may mặc, vị doanh nhân này cho rằng, có một số vấn đề CEO và các cổ đông cần lưu ý.
Thứ nhất, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là câu thành ngữ mà CEO nên nghe trong trường hợp này. TTP mở ra là để phần nào đó giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các nước tham gia TPP, đưa thế giới là công xưởng chung chứ không thuộc về một quốc gia nào. Như vậy, ý tưởng chuyển sang làm công nghiệp phụ trợ dệt may của CEO công ty này là phù hợp với xu thế mở. Tuy nhiên, CEO cũng phải phân tích giá trị, vị thế, những điểm mạnh, điểm yếu của công ty. Hiện công ty có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn không dồi dào, kinh nghiệm làm nguyên phụ liệu lại hoàn toàn không có.
“Như vậy, yếu tố cần và đủ để công ty chuyển hướng chiến lược là không có. Thậm chí rất khó kêu gọi vốn từ đối tác chiến lược vì ngay trong Ban quản trị vẫn còn nhiều câu hỏi và bế tắc.
“Tôi đã có kinh nghiệm thực tiễn, cũng như làm việc với các công ty dệt may và phụ liệu da, thuộc da Trung Quốc. Họ rất am hiểu nghề, với một đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư lâu năm và năng lực tài chính rất mạnh để đầu tư vào các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Bởi nếu không có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì khó có thể làm chủ, chứ đừng nói là cung cấp cũng như phát triển theo hướng đó”, vị doanh nhân này phân tích.
Do đó, thay vì chuyển đổi sản phẩm, nên sắp xếp lại toàn bộ công ty, phát huy tốt chức năng các phòng ban, đề xuất chiến lược cụ thể hậu TTP. Đặc biệt, tìm mọi cách có được nguồn nguyên liệu tin cậy để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng và tìm hiểu nhu cầu thị hiếu thị trường mà công ty đang muốn nhắm đến...
“Miếng bánh TPP tuy ngon, nhưng nếu muốn có được thành quả ngay lúc này thật sự quá tầm với của công ty nhỏ và vừa ở Việt Nam. Còn trong tương lai khi họ có thể học hỏi dần cách để mà sản xuất nguyên phụ liệu thì mới nghĩ đến tận dụng được cơ hội này”, doanh nhân này cho biết.
Cùng quan điểm trên, bạn Nguyễn Minh Văn (TP.HCM) đồng ý với phương án, trước mắt công ty cần tận dụng lợi thế sân nhà để củng cố và phát triển thị trường trong nước, tìm cách tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, tích cực tìm kiếm cơ hội và nhập nguồn nguyên liệu trong nội khối TPP.
“Một khi có nguồn nguyên liệu trong khối TPP dồi dào rồi, lúc đó nghĩ đến việc mở rộng cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất khác trong khối cũng chưa muộn, thậm chí có thể mở rộng thêm chuỗi giá trị cho doanh nghiệp mình”, bạn Văn cho hay.
Tuy nhiên, với chừng ấy ý kiến vẫn chưa đủ để CEO tự tin ra quyết định, nhất là khi các cổ đông khác vẫn tỏ ra hoài nghi với kế sách của CEO. Hai chuyên gia của Chương trình CEO – Chìa khóa thành công là ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương và ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) sẽ giúp CEO tìm ra hướng đi cụ thể hơn.