Luật sư Ngô Ngọc Trai
Sự thành công hay thất bại của mỗi chính sách do Đảng cộng sản chủ trương sẽ ảnh hưởng tới nguồn lực quốc gia và mức sống người dân, nên sẽ là chính đáng khi nhân dân đòi hỏi quyền có tiếng nói về quy trình làm chính sách.
Đồng nghĩa với đó sẽ là không hợp lẽ nếu Đảng được độc quyền trong bố trí nhân sự hay tổ chức hệ thống mà bỏ qua tiếng nói người dân, với những điều kiện thực tiễn hiện nay bài viết này góp ý với Đảng về một vấn đề mới.
Những lực cản
Để có được những chủ trương chính sách đúng đắn điều này phụ thuộc rất nhiều vào quy trình làm chính sách hay sự vận hành của hệ thống. Những vấn đề mà Đảng đang gặp phải cho thấy nhiều khả năng lâu nay hệ thống tổ chức chưa khoa học, các thiết chế giữ vai trò chồng lấn không rõ ràng quyền hạn trách nhiệm, từ đó chất lượng chính sách không cao, hiệu quả phát triển đất nước chưa xứng với tiềm năng.
Đổi mới đồng nghĩa với phá vỡ hiện trạng vốn có sẽ khiến một số người bị ảnh hưởng bất lợi, mặt khác đổi mới đòi hỏi tư duy tri thức mới, từ đó đổi mới tất yếu gặp phải lực cản. Lực cản có thể đến từ bên ngoài do đối lập về quyền lợi hay từ bên trong vì những yếu kém nội tại bản thân, để đổi mới thành công cần sự nỗ lực bên trong và sự ủng hộ của quần chúng bên ngoài.
Lâu nay vai trò lãnh đạo của Đảng được thực hiện chủ yếu bởi hai cấp là Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương. Do các cơ quan này hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, biểu quyết thông qua theo đa số cho nên những chính sách đã ban hành là đạt được sự nhất trí của toàn bộ hoặc chỉ bởi đa số.
Điều đó có nghĩa rằng có thể có những ý kiến khác ngay trong giới lãnh đạo cấp cao và do vậy lực cản cũng tồn tại từ ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp.
Cần hết sức lưu ý điều này bởi lẽ lực cản không chỉ tồn tại ở thời điểm ban hành chính sách mà nó còn duy trì trong khoảng thời gian triển khai, điều này tạo ma sát ảnh hưởng đến sự thành công mau chóng hoặc làm thất bại chính sách mà cuối cùng thì tiền bạc của nhân dân có thể bị hao phí vô ích.
Vấn đề đặt ra là khi chính sách đã được thông qua bởi đa số và để ý kiến thiểu số không trở thành lực cản khi triển khai thì tốt nhất là tách bạch giữa hai khâu làm và thực thi chính sách, theo đó những người đã tham gia biểu quyết chỉ giữ vai trò giám sát mà không tiếp tục là người thực hiện.
Lãnh đạo và chấp hành
Lãnh đạo thiên về hoạt động trí tuệ nên không cần nhiều lực lượng, trong khi đó chấp hành là hoạt động cần đến bộ máy tới hàng vạn con người. Vấn đề đặt ra làm cách gì để số đông chấp hành không chống lại số ít lãnh đạo?
Có một điểm hơi đặc biệt đó là Đảng lãnh đạo nhưng bản thân Đảng cũng là lực lượng với hàng triệu con người, tuy vậy ngần ấy người không thể đồng thời lãnh đạo cho nên Đảng chỉ tập trung vai trò lãnh đạo vào Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương.
Ngoài ra với lực lượng đông đảo Đảng thực hiện kế sách lồng hóa vào chính quyền, theo đó các vị trí trong bộ máy sẽ do các đảng viên nắm giữ, đảng viên cao cấp là ủy viên Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương đồng thời là cán bộ chính phủ.
Bằng cách đó Đảng cho rằng sẽ nắm chắc được chính quyền và cách tổ chức như vậy được thực hiện ở tất cả các quốc gia cộng sản xưa kia cũng như hiện nay.
Nhưng có khi đây lại chính là sai lầm lớn nhất của hệ thống cộng sản.
Theo cách tổ chức lãnh đạo chính phủ đồng thời là đảng viên cao cấp, người của cơ quan chấp hành đồng thời thuộc cơ quan lãnh đạo, như thế người thi hành chính sách cùng làm chính sách, gianh giới giữa lãnh đạo và chấp hành bị xóa nhòa và tạo sự đồng nhất ngang bằng giữa lãnh đạo và chấp hành.
Điều gì xảy ra khi lồng hóa lãnh đạo với chấp hành? Điều gì xảy ra khi hai tổ chức cùng lãnh đạo? Phải chăng không cần phân biệt và không quan trọng vì những con người ấy cùng thuộc một Đảng nên cùng lãnh đạo cùng quyết định?
Những rắc rối
Thực tế không đơn giản và có nhiều vấn đề xảy ra khi người chấp hành cùng tham gia lãnh đạo.
Thứ nhất, xóa đi khoảng cách giữa lãnh đạo và chấp hành sẽ làm mất đi vị thế lãnh đạo, khiến cho uy quyền không còn trong khi đây là thành tố tối cần của sự lãnh đạo.
Thứ hai, lồng hóa lãnh đạo với chấp hành sẽ không thể phân định được cái nào là tiền đề tham số cho cái kia, Đảng theo chính phủ hay chính phủ theo Đảng? Khi chính phủ không chỉ cung cấp dữ liệu mà cùng tham gia với Đảng làm chính sách sẽ khiến Đảng bị thôi thúc bởi các vấn đề và giải pháp của chính phủ. Đảng bị mất không gian lựa chọn từ đó dẫn đến hệ quả đường lối lãnh đạo thụ động giải quyết vấn đề mang tính sự vụ hoặc lâm vào tình trạng luẩn quẩn.
Thứ ba, chính phủ tham gia lãnh đạo tức là hai tổ chức cùng lãnh đạo, điều này rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi lồng hóa về con người thuộc hai tổ chức sẽ tạo ra sự ngang bằng tâm lý, khi bộ máy vận hành trạng thái ngang bằng ban đầu luôn có xu hướng chuyển hóa sang trạng thái mất cân bằng, tức là phát sinh tranh chấp bất đồng.
Để tránh tranh chấp tốt nhất lãnh đạo phải có vị thế cao hơn hẳn, khi bất đồng xảy ra uy quyền lớn hơn sẽ giúp dập tắt bất đồng đem lại sức mạnh đồng thuận.
Thứ tư, khi chấp hành tham gia lãnh đạo sẽ dẫn đến nguy cơ lấn át khiến lãnh đạo chỉ còn là hình thức, lý do là chấp hành có lực lượng trong khi lãnh đạo ít lực lượng, điều này vẫn đúng trong trường hợp của Đảng cộng sản.
Đảng là sự kết hợp giữa quyền lợi và tư tưởng, cùng những con người vừa là đảng viên vừa là cán bộ chính phủ nhưng sợi dây liên kết bằng quyền lợi lại bền chắc hơn sợi dây ràng buộc bằng tư tưởng, do vậy lực lượng này sẽ ngả theo phía nào nếu quyền lợi của họ đòi hỏi và đó là phía chính phủ.
Bộ máy chính phủ trở thành một lực lượng có quyền lợi và đường hướng riêng, điều này bản chất chính là cái vẫn được nói đến là xa rời đường lối lãnh đạo của Đảng, cũng đúng khi nói rằng đó là một đảng nhỏ nằm trong một đảng lớn vì có đủ sự hội tụ giữa tổ chức nhân sự, mối dây gắn kết và đường hướng quyền lợi chung.
Không phân tách rõ ràng, đồng nhất lãnh đạo với chấp hành sẽ dẫn đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo hoặc lãnh đạo chỉ còn là hình thức.
Để dễ hình dung cho việc này hãy thử tưởng tượng hàng vạn con người bị buộc lại với nhau và cùng di chuyển, vậy cái sự di chuyển của người đi hàng đầu đó là thực thi vai trò lãnh đạo cho đoàn người phía sau, hay đơn giản là nó bị người ngay sau thúc vào đít? Ai điều khiển ai trong trường hợp này?
Trong số hàng vạn con người đó nếu thực sự có một vài người lãnh đạo thì cần tách ra và đi lên trước, khi đi cùng và đồng nhất thì vị thế lãnh đạo không còn. Xét ngay trong tập thể Đảng với con số lên tới hàng triệu, để có thể lãnh đạo Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương đã phải đứng tách ra và cao hơn so với phần còn lại. Tại sao điều hợp lý đó lại không áp dụng trong mối quan hệ giữa đảng với chính phủ? Tại sao lại duy trì trạng huống lãnh đạo và chấp hành chồng lấn về nhân sự như lâu nay?
Sẽ không lạ nếu những dấu chân đoàn người để lại ngoằn nghèo và bất định hướng.
Những lợi điểm khi tách bạch
Lâu nay thành viên của Cơ quan đảng gồm Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương kiêm luôn cán bộ chính phủ, chưa thấy ai đặt nghi vấn về tính đúng đắn của cách sắp xếp này trong hệ thống. Câu hỏi đặt ra là khi thành viên chính phủ thôi không tham gia Cơ quan đảng sẽ đem đến những lợi điểm gì?
Đầu tiên, điều đó sẽ tách bạch Đảng lãnh đạo và Chính phủ chấp hành từ đó giúp phân định trách nhiệm, trong điều kiện một đảng lãnh đạo tuy chưa đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm nhưng vẫn cần tách bạch để khi chính sách thất bại thì xem lỗi là ở khâu nào, khâu ra quyết định hay khâu chấp hành để còn chỉnh sửa.
Tiếp theo, tách bạch để chính phủ không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm khác nhau khi thông qua chính sách. Sẽ thế nào khi thành viên chính phủ bỏ phiếu chống mà sau đó chính sách lại được thông qua và chính phủ lại là cơ quan thực hiện?
Ngay cả trường hợp thành viên chính phủ bỏ phiếu thuận và chính sách được thông qua, nhưng quá trình làm chính sách chính phủ sẽ đưa vào những nội dung sẽ dễ cho họ trong quá trình thực thi. Đây là cái vẫn được nói đến là sự trục lợi và tham nhũng bằng chính sách.
Khi tách bạch sẽ giúp uy quyền lãnh đạo của Đảng lớn hơn hẳn, trong đó có uy quyền lựa chọn và uy quyền thay thế, cái mà nếu thiếu nó thì không còn gì là lãnh đạo.
Tách bạch sẽ tạo khoảng cách giúp Đảng không bị rối trước hàng loạt sự vụ, khoảng cách sẽ tạo không gian lựa chọn nhờ vậy đường lối chỉ đạo sẽ chính xác sáng sủa.
Khi có vị thế lớn hơn, Đảng có thể tạo ra áp lực thay thế nếu chính phủ hoạt động kém và uy quyền lớn hơn cũng giúp dẹp bỏ nguy cơ bất đồng.
Sẽ có ý kiến cho rằng chính phủ không có quyền thì làm sao điều hành được bộ máy? Câu trả lời là: Phương án trên chỉ rút bỏ vị thế chính trị chứ không liên quan đến vị thế pháp lý. Bộ máy chính phủ được tổ chức theo luật, mỗi vị trí trong bộ máy đều có nghĩa vụ và quyền hạn được luật định, cán bộ chính phủ cần tìm kiếm quyền hạn từ luật.
Tham khảo nước ngoài
Một số quốc gia cơ quan làm chính sách là Nghị viện hay Quốc hội, họ phân tách rất rõ ràng về nhân sự với cơ quan chấp hành là chính phủ.
Hiến pháp Mỹ quy định không một người nào đang giữ một chức vụ trong chính quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được trở thành nghị sĩ trong thời gian còn tại chức. Hay hiến pháp nước Pháp quy định thành viên chính phủ không được kiêm nhiệm Nghị sỹ.
Cách thức tổ chức như thế tạo ra áp lực thay thế chính là động lực khiến chính phủ hoạt động tốt.
Thực tiễn Việt Nam lâu nay Quốc hội và Cơ quan Đảng cùng giữ vai trò làm chính sách và lãnh đạo chính phủ, tuy nhiên về nhân sự thì chồng chéo. Đây là nguyên nhân đưa đến hoạt động của chính phủ thì thực quyền cơ quan kia chỉ còn hình thức.
Do cùng tính chất giám sát và làm chính sách cho nên nhân sự giữa Quốc hội và Cơ quan đảng có thể song trùng, nhưng cần tách bạch với Chính phủ. Theo đó đảng viên cao cấp không nên giữ cương vị chính phủ, nói cách khác cán bộ chính phủ chỉ nên giữ từ ủy viên trung ương trở xuống và số lượng thì cũng giảm bớt đi dành phần cho đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Bài học Liên Xô
Nhìn lại sự sụp đổ của Liên Xô thì thấy nguyên nhân chính từ trong hệ thống, các cán bộ chính phủ đồng thời là đảng viên đã lợi dụng vị thế chính trị và pháp lý bòn rút tài sản quốc gia, sau đó chính đội ngũ này đã góp phần kéo sụp chế độ.
Cán bộ chính phủ được sự ủng hộ và áp lực của lực lượng bên dưới đã đi theo đường lối quyền lợi riêng, không nhận ra điều đó và cũng không có giải pháp tháo gỡ lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô ảo tưởng tự ru ngủ mình vẫn là người lãnh đạo mà không biết rằng chính phủ đã lũng đoạn đảng từ lâu và cuối cùng là nuốt chửng đảng.
Lịch sử và hiện tại cho thấy lãnh đạo các Đảng cộng sản chưa đâu nhận ra điểm bất hợp lý nêu trên trong tổ chức hệ thống, hoặc cũng có thể đã nhận ra nhưng lại không đủ sự dũng cảm cần thiết để vượt qua được lực cản bản thân buông bỏ cương vị chính phủ, đó là những vị trí đầy thực quyền hấp dẫn mà bất kỳ đảng viên cao cấp nào cũng muốn giữ chặt cho mình.
Bài đã đăng trên BbcVietnamese