Mới đây, xuất hiện trên các diễn đàn về vụ việc đối tượng dùng vàng bọc bên ngoài nhưng bên trong là lõi bạc rồi mang đến tiệm vàng cầm cố nhưng không chuộc lại. Qua đó, các đối tượng đã chiếm đoạt số tài sản chênh lệch đó. Vậy theo quy định pháp luật thì các đối tượng này sẽ phải chịu mức án như thế nào?
Hiện trạng
Chiêu trò lừa đảo mới này được các đối tượng áp dụng đối với những cửa tiệm vàng bạc. Chúng giả vờ mang vàng 9999 đến cầm cố, tuy nhiên, bọc bên ngoài là vàng nhưng bên trong chúng đã dùng lõi bạc nhằm qua mặt các cửa hàng.
Các đối tượng dùng chiêu trò này nhằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản mà chúng dùng làm công cụ phạm tội và giá trị tài sản mà chúng chiếm được của bị hại. Hiện đã nhiều cửa hàng đã mắc bẫy thủ đoạn này.
Xử lý hành vi vi phạm
Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với các hành vi vi phạm này, cần có mức phạt xứng đáng nhằm răn đe, không để lọt tội phạm. Theo đó, pháp luật quy định như sau:
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với hành vi lừa dối, dùng vàng bọc lõi bạc cầm cố để chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về các mức hình phạt cụ thể như sau:
(1) Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
Mức phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.