Cảnh giác: Giả nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được cấp lại mật khẩu VssID

Chủ đề   RSS   
  • #602390 08/05/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2143)
    Số điểm: 74986
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần


    Cảnh giác: Giả nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được cấp lại mật khẩu VssID

    Vừa qua, trên báo điện tử Công an nhân dân thành phố vừa đưa tin một trường hợp phản ánh của một người dân bị đối tượng xấu tự xưng là nhân viên bảo hiểm xã hội lừa đảo chuyển tiền để được cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID.

    Theo lời nạn nhân kể lại, do không nhớ mật khẩu của ứng dụng VssID, chị đã lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu phương thức lấy lại mật khẩu. Qua đó, chị đã tiếp xúc với một người tự giới thiệu là nhân viên tiếp nhận hồ sơ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

    Người này tư vấn cho chị N rằng chỉ có Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới cấp lại được mật khẩu VssID; nếu muốn lấy lại mật khẩu của ứng dụng này cần phải đặt tiền cọc, số tiền này sẽ được chuyển trả cho chị N sau khi chị N nhận được mật khẩu.

    Để được nhận lại mật khẩu, chị N phải “lên hồ sơ” đăng ký qua Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hồ sơ kèm theo gồm: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân 2 mặt, mã số sổ bảo hiểm xã hội, thông tin cần thay đổi, địa chỉ tạm chú, số điện thoại cấp mậy khẩu VssID, số tài khoản lãnh lại tiền cọc.

    Sau khi tạo được lòng tin với chị N, đối tượng này đã yêu cầu chị N chuyển khoản đặt cọc số tiền 900.000 đồng để đảm bảo đây là mã số sổ và số điện thoại của chị. Đối tượng nhắn tin: “Việc này nhằm tránh trường hợp mượn hồ sơ rò rỉ thông tin và giả mạo hồ sơ; sau khi xác minh hồ sơ chính chủ, sẽ cấp mật khẩu về máy sau 5 phút và hoàn tiền cọc theo quy định.”

    Thực hiện theo hướng dẫn, chị N đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và gọi điện qua ứng dụng Messenger để được đối tượng hướng dẫn tiếp. Sau đó, đối tượng có gửi cho chị N hình ảnh Tờ khai hồ sơ xin cấp mật khẩu VssID có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận đã tiếp nhận tờ khai của người có tên “Nguyễn Vinh Quang-Trưởng phòng Hồ sơ, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam” đồng thời yêu cầu chị N kiểm tra lại thông tin.

    Sau khi kiểm tra tờ khai hồ sơ, chị N đã chuyển 900.000 đồng vào tài khoản của đối tượng cung cấp với nội dung chuyển tiền ghi: “tien coc phi cap lại MK VssID”.

    Tuy nhiên, sau đó, người này tiếp tục nhắn tin và gọi điện cho chị N (qua ứng dụng Messenger) thông báo nội dung chuyển tiền ghi: “tiền cọc phí cấp lại MK VssID” không đúng, mà phải ghi là: “DAO THI NGAN so dien thoai 09xxx13744” và sẽ bị phạt 10 triệu đồng. Do không đủ tiền trong tài khoản, nên chị N đã chuyển tiếp vào số tài khoản này 5 triệu đồng và sửa lại nội dung chuyển tiền đúng theo yêu cầu của đối tượng.

    Sau đó, đối tượng này lại thông báo với chị rằng, để nhận lại số tiền đặt cọc, chị phải chuyển thêm số tiền 11,8 triệu đồng để lập tài khoản điện tử chuyển lại tiền. Do không có tiền chuyển khoản, nên chị N đã nói chuyện với người quen và được biết mình đã bị lừa.

    Thấy chị N không chuyển thêm tiền, đối tượng còn tiếp tục gọi điện nói rằng, số tiền 5,9 triệu đồng đã đóng chưa được khai báo thuế và cơ quan thuế phát hiện chị là người trốn thuế.

    Đối tượng còn dọa “mức án phạt nhẹ nhất cho trốn thuế là tạm giam 6 tháng hoặc phạt bồi thường là 550 triệu đồng. Thanh tra sẽ đến làm việc… và yêu cầu chị phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại số 7 Tràng Thi để làm việc.”

    Sau khi biết mình bị lừa, chị N đã liên hệ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội và được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) hỗ trợ chị lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào. Không chỉ riêng chị N, nhiều người dân khác cũng đã phản ánh qua tổng đài 1900.9068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình trạng một số đối tượng yêu cầu chuyển tiền phí cấp lại mật khẩu VssID khi tìm hiểu trên mạng xã hội.

    Qua vụ việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thông tin, cảnh báo tới người nhân dân và người lao động rằng hiện nay tất cả các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí, do đó bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ như trên đều là hành vi lừa đảo.

    Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

    Truy cứu TNHS tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015  được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

    Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    - Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    - Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

    - Công nhiên chiếm đoạt tài sản;

    - Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    - Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

    - Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

    Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.

    Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

    - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

    - Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

    Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

    - Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

    Nguồn: Báo Công an TP. Hồ Chí Minh

     
    301 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    danusa (15/05/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận