Tại các văn bản quy phạm pháp luật về việc tuyển dụng viên chức nêu trên, không thấy có quy định và hướng dẫn nào về việc được nộp bổ sung, hay không được nộp bổ sung văn bằng, chứng chỉ có trình độ cao hơn mà người đăng ký dự tuyển được cấp sau khi đã có kết quả thi tuyển, đang chờ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng.
Trường hợp bạn có văn bằng thạc sĩ sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, sau khi đã thi tuyển và có thông báo trúng tuyển, thì có thể nộp bổ sung trước khi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ban hành quyết định tuyển dụng, hoặc nộp bổ sung khi đến nhận việc, ký hợp đồng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, để cơ quan quản lý viên chức lưu trữ trong hồ sơ viên chức phục vụ cho công tác sử dụng viên chức...
Căn cứ quy định và hướng dẫn việc tuyển dụng viên chức hiện nay, đối tượng được hưởng mức lương thạc sĩ, tiến sĩ khi tuyển dụng quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trước khi tham gia dự tuyển viên chức; văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng và phải nộp cùng lúc với đơn đăng ký dự tuyển và các giấy tờ khác có trong hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức.
Trường hợp bạn có văn bằng thạc sĩ sau khi tham gia dự tuyển viên chức thì, quyết định tuyển dụng và mức lương áp dụng khi tuyển dụng được căn cứ vào văn bằng đại học có trong hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Nhưng, nếu đơn vị có yêu cầu vị trí việc làm trình độ thạc sĩ, bản thân bạn có nguyện vọng được làm việc với mức lương trình độ thạc sĩ khi tuyển dụng, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng đồng ý, ra quyết định tuyển dụng theo trình độ thạc sĩ, thì bạn mới được xếp lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;