Kết hôn là việc nam nữ tự nguyện để cùng nhau xây dựng cuộc sống hôn nhân và trên thực tế thì việc kết hôn không phải chỉ hai người là đủ mà còn phải được sự đồng ý của hai bên gia đình. Nhưng nếu cha mẹ cản trở con kết hôn thì có vi phạm pháp luật không?
1. Quy định về cản trở kết hôn
Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa “Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”. Trong đó, tại Khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.”
Từ quy định trên, có thể hiểu cản trở kết hôn là hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi hay đưa ra điều kiện về vật chất để ngăn cản sự kết hôn của nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam nữ muốn kết hôn phải tuân theo các điều kiện:
- Về độ tuổi thì nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:
• Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
• Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
• Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
• Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, nếu cha mẹ cản trở sự kết hôn của con mình khi con đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi bị pháp luật cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Chế tài cho hành vi cản trở kết hôn
Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở kết hôn. Theo đó, nếu cha mẹ hoặc bất cứ người nào cản trở con mình kết hôn thì có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định về cản trở kết hôn như sau:
“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi cản trở con kết hôn như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, đòi hỏi về vật chất mà còn vi phạm thì cha mẹ có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Tóm lại, cản trở kết hôn là hành vi bị pháp luật cấm nhằm bảo vệ việc kết hôn của đôi nam nữ. Nếu cha mẹ cản trở con kết hôn trong khi con đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.