Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến Tết Trung thu và đây cũng là thời điểm thị trường bánh trung thu bắt đầu sôi động với các loại sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau. Trong đó có sự xuất hiện của nhiều loại bánh “handmade”, được sản xuất tại nhà, giá rẻ nên thu hút nhiều người tiêu dùng.
Việc bán bánh Trung thu vào thời điểm này trên các trang mạng xã hội khá nhiều. Với lời quảng cáo “đặt tiêu chí sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, bánh không chất phụ gia, không chất bảo quản, giá cực rẻ,…” nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ những sản phẩm này khó có thể kiểm soát được.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;... còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa.
Bánh Trung thu không nhãn mác có thể bị phạt căn cứ Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP:
“Điều 30. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đối với vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”
Trường hợp hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt đối với hành vi này 1-3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng. Trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt 50-60 triệu đồng (Khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP).