Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn góp phần quan trọng trong việc bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.
1. Các mức tín nhiệm chưa phù hợp
Khoản 1 điều 2 Nghị quyết 35 quy định: Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Nghị quyết không đề cập đến các mức tín nhiệm cụ thể nhưng thực tế Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp vào ngày 11/06/2013 với ba mức tín nhiệm (tín nhiệm thấp, tín nhiệm, tín nhiệm cao). Với các mức tín nhiệm trên phát sinh những vấn đề đáng lo ngại sau:
(i) Sự đánh giá mập mờ
Ranh giới để phân biệt tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là gì? Định tính hay định lượng ở đây? Không có một sự giải thích rõ ràng. Giống như kiểu phân định giữa thích, thương và yêu.
(ii) 100% đều được tín nhiệm
Đã gọi là lấy phiếu tín nhiệm thì phải có trường hợp không được tín nhiệm. Nhưng ở đây ba mức độ đánh giá đều là tín nhiệm. Phải chăng Quốc hội đã “buộc chân” lá phiếu bằng cách: dù như thế nào cũng phải là tín nhiệm hay không?
(iii) Chưa so sánh được mức tín nhiệm của các lãnh đạo
Có ba mức độ đánh giá: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì làm sao đánh giá được người nào được tín nhiệm hơn người nào?
Ví dụ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tín nhiệm cao là 210, tín nhiệm thấp 160; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tín nhiệm cao là 196, tín nhiệm thấp 65. Cả tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đều cao hơn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, vậy ai là người được tín nhiệm cao hơn?
(iv) Chưa thể xác định rõ người không được tín nhiệm
Tại sao mức độ đánh giá tín nhiệm không phải là tín nhiệm và không tín nhiệm? Nếu đánh giá theo tiêu chí này sẽ phân định rõ ai không được tín nhiệm. Đánh giá ở ba mức độ thì xác suất rơi vào tín nhiệm thấp chỉ là 33.33% nhưng nếu ở hai mức độ thì xác suất rơi vào không tín nhiệm là 50.00% (xấu, tốt rõ ràng) thì sẽ chuẩn xác hơn.
Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm nên thay đổi thành hai mức: tín nhiệm hoặc không tin nhiệm thì mới loại bỏ được những bất cập nêu trên.
2. Sự đánh giá khập khiễng
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 lãnh đạo cấp cao (bao gồm: lập pháp, hành pháp, tư pháp) tuy diễn ra một cách công khai, minh bạch tuy nhiên sự đánh giá đó là khập khiễng. Bởi tính chất công việc của các lãnh đạo trên ở ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp hoàn toàn khác nhau vì vậy mức độ “tiếp xúc” để hiểu công việc của các đại biểu quốc hội với những người được lấy phiếu là không giống nhau nhưng chúng ta đã đặt chung vào một chỗ mà so sánh là khập khiễng, không đánh giá đúng bản chất vấn đề. Vì vậy, Quốc hội cần sửa đổi Nghị quyết 35 theo hướng lấy phiếu tín nhiệm riêng biệt đối với lãnh đạo của từng nhánh quyền lực.
Cập nhật bởi HuyenVuLS ngày 10/06/2014 09:34:26 SA