Lưu ý những gì để tránh bị xử phạt theo Chỉ thị 16 - Minh họa
Đại dịch Covid-19 thay đổi nhiều thứ trong nếp sống của tất cả chúng ta, khi “ý thức chống dịch” được đặt lên hàng đầu! Đồng ý rằng mỗi người có những nhu cầu cá nhân khác nhau, tuy nhiên trong thời điểm toàn dân đang nỗ lực đề cao các biện pháp an toàn dịch tễ, các bạn cần lưu ý một số điều sau đây để tránh bị xử phạt khi ra ngoài!
1. Đeo khẩu trang
Đây là quy định đã quen thuộc với người dân kể từ thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 3, tháng 4 năm 2020. Người dân không thực hiện hoặc quên thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt: 1-3 triệu đồng.
2. Không tụ tập
Theo quy định của Chỉ thị 16, người dân không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Với quy định này, mức phạt vi phạm cao hơn rất nhiều, cụ thể căn cứ xử phạt là Điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt: Phạt tiền từ 10 triệu - 20.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 20 triệu – 40 triệu đồng đối với tố chức
3. Giữ khoảng cách
Khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp được quy định là 2m. Đồng ý rằng rất khó để xử phạt những trường hợp này, tuy nhiên ở nơi công cộng, các đơn vị chức năng có thể đi tuần tra bất cứ lúc nào và tiến hành xử phạt người vi phạm theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt: 1-3 triệu đồng.
4. Ra ngoài với lý do chính đáng
Đây là quy định khiến nhiều người tranh cãi trong thời điểm này. Theo đúng nguyên văn tại Chỉ thị 16, những lý do sau đây được cho là chính đáng:
“Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác;”
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại từng địa phương có sự khác biệt nhất định và chúng ta cần căn cứ vào văn bản chỉ đạo của địa phương đó để biết chi tiết những hoạt động được phép tiếp tục thực hiện. Chẳng hạn, đối với TP. HCM, căn cứ vào Công văn 2279/UBND-VX ngày 8/7/2021 thì những ngành nghề sau đây vẫn được phép hoạt động:
- Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...);
- Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
Như vậy người làm việc trong những ngành nêu trên, nếu chứng minh được mình ra đường để đi làm thì không phải lý do không chính đáng.
Còn lại những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.