Việc trả lương tháng 13 cho nhân viên để khuyến khích, thúc đầy nhân viên làm việc đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, nhân viên cần làm gì nếu doanh nghiệp không trả đầy đủ khoản tiền này theo thỏa thuận? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cụ thể để giải đáp vấn đề trên.
Tiền lương tháng 13 là gì?
Hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản nào quy định về khái niệm “tiền lương tháng 13”. Tuy nhiên, tiền lương tháng 13 thường được dùng để chỉ khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động vào cuối năm khi doanh nghiệp làm ăn có lời nhằm hỗ trợ, khuyến khích người lao động làm việc.
Tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 104. Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”
Như vậy, về bản chất, “lương tháng 13” là không phải là tiền lương mà được xem như tiền thưởng do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.
Các trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải trả lương tháng 13 cho nhân viên
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể nào về việc bắt buộc người sử dụng lao động phải trả tiền thưởng cho người lao động. Điều này cũng có nghĩa là tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc mà người sử dụng lao động phải trả theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bắt buộc phải trả tiền lương tháng 13 cho nhân viên trong trường hợp có thỏa thuận/ quy định về tiền lương tháng 13 trong các văn bản sau:
- Hợp đồng lao động (HĐLĐ);
- Quy chế thưởng;
- Thỏa ước lao động tập thể.
Thông thường, nội dung về tiền lương tháng 13 sẽ được thỏa thuận trả cho nhân viên khi doanh nghiệp kinh doanh có lời, đạt doanh thu cao.
Cần làm gì khi doanh nghiệp không trả lương tháng 13 theo thỏa thuận?
Căn cứ Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự như sau:
“Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả tiền lương tháng 13 cho nhân viên theo thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy chế thưởng thì được xem là vi phạm nghĩa vụ và do đó phải chịu trách nhiệm dân sự.
Theo đó, tại Điều 352 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ
Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.”
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 357 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.”
Như vậy, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả đầy đủ khoản tiền lương tháng 13 theo thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy chế thưởng.
Trong trường hợp doanh nghiệp chậm trả tiền lương tháng 13 thì còn phải trả tiền lãi đối với khoản tiền lương tháng 13 chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Trường hợp doanh nghiệp không trả lương tháng 13 theo thỏa thuận thì nhân viên có thể tiến hành một số cách sau:
- Gửi yêu cầu lên Ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương tháng 13;
- Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới doanh nghiệp mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó;
- Yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết
- Giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài (phải có thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhân viên về việc lựa chọn giải quyết bằng trọng tài)
- Khởi kiện tại Tòa án.
Lưu ý: Trước khi giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án, hai bên phải trải qua bước hòa giải tại Hòa giải viên lao động.