Cầm cố tài sản như thế nào là đúng luật?

Chủ đề   RSS   
  • #533122 18/11/2019

    Linhngo99
    Top 500
    Female


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/09/2019
    Tổng số bài viết (195)
    Số điểm: 1803
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 234 lần


    Cầm cố tài sản như thế nào là đúng luật?

    Theo quy định Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 thì việc cầm cố tài sản được hiểu là việc một bên (được gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (được gọi là bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

    Thông thường, việc cầm cố tài sản phổ biến là để mượn nợ, sau khi hoàn trả nợ và lãi (nếu có thỏa thuận) thì bên cầm cố được nhận tài sản cầm cố về. Vậy để thực hiện việc cầm cố như thế nào là đúng luật? nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân thì người cầm cố nên làm gì? và cần lưu ý những gì để cầm cố đảm bảo tốt nhất. Để hiểu rõ hơn mời bạn tham khảo bài viết sau:

    Để cầm cố đúng luật bạn cần nắm rõ quy định pháp luật về cầm cố tài sản, như sau:

    1. Về chủ thể và đối tượng cầm cố

    - Chủ thể cầm cố tài sản được xác định: Các bên (gồm bên cầm cố; bên nhận cầm cố; bên có quyền và lợi ích liên quan) trong quan hệ cầm có tài sản  ở đây có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác nhưng phải thỏa mãn các yêu cầu về năng lực chủ thể theo quy định, cụ thể (Căn cứ: Chương III Bộ luật dân sự 2015) :

    + Nếu là người thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự => được toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trước giao dịch của mình.

    + Người chưa thành niên: 

    Người chưa đủ mười tám tuổi => Theo đó, giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

    Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi => thì khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

    Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    + Người mất năng lực hành vi dân sự => Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

    + Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi => giao dịch được người giám hộ (đương nhiên hoặc  chỉ định) thực hiện thay (theo thẩm quyền được xác lập).

    + Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự => Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

    - Về đối tượng cầm cố tài sản: chỉ có thể là tài sản;

    Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản được hiểu là :

    “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

    2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

    Theo đó, bản chất của cầm cố tài sản là bên cầm cố đưa tài sản của mình cho bên nhận cầm cố. Do đó, tài sản phải là vật có sẵn tại thời điểm xác lập giao dịch cầm cố: Cụ thể:

    - Đối với vật là giấy tờ có giá thì bản thân nó phải là tài sản mới được cầm cố.

    > >> Tổng hợp các loại giấy tờ có giá;

    - Đối với vật là bất động sản hay động sản ở đây phải đảm bảo: đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và được phép chuyển giao theo quy định của luật

    2. Hình thức cầm cố tài sản

    - Việc cầm cố tài sản đối với tài sản cầm cố là động sản có thể thực hiện hình thức bằng miệng hoặc bằng văn bản; Còn đối với bất động sản thì bắt buộc bằng văn bản.

     - Văn bản thỏa thuận cầm cố không bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cao hơn bạn có thể yêu cầu công chứng, chứng thực để đảm bảo quyền lợi.

    >>> 15 giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý;

    >>> Công chứng, chứng thực: Ở đâu, giấy tờ gì - Tất tần tật tại đây;

    3. Quyền và nghĩa vụ các bên trong giao dịch cầm cố tài sản

    Quyền bên cầm cố (Điều 312):

    - Được phép yêu cầu bên nhận cầm cố dừng hành vi có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản (trong trường hợp bên nhận cầm cố thực hiện quyền cho thuê, cho mượn,….theo thỏa thuận (khoản 3, Điều 314));

    - Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt và Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

    - Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

    Nghĩa vụ của bên cầm cố (Điều 311):

    - Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.

    - Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.

    - Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Quyền của bên nhận cầm cố (Điều 314):

    - Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.

    - Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

    - Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

    - Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

    Nghĩa vụ bên nhận cầm cố (Điều 313):

    - Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

    - Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

    - Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

    4. Hiệu lực và thời hạn của cầm cố (Căn cứ Điều 310 Bộ luật dân sự 2015)

    - Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm hai bên giao kết việc cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    - Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

    - Về thời hạn cầm cố do hai bên thỏa thuận cụ thể, trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn được xác định từ ngày giao kết (tức bên nhận cầm cố nhận tài sản) đến ngày thực hiện xong nghĩa vụ cầm cố (Tức bên cầm cố thực hiện xong nghĩa vụ và nhận lại tài sản cầm cố).

    5. Việc chấm dứt cầm cố và xử lý tài sản cầm cố

    Hình thức xử lý tài sản cầm cố khi đến hạn (Căn cứ Điều 303 Bộ luật dân sự 2015):

    - Về hình thức xử lý tài sản cầm cố khi hết hạn sẽ do hai bên tự thỏa thuận, bằng các hình thức như: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận tài sản cầm cố có quyền tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; …phương thức khác.

    - Trường hợp hai bên không có thỏa thuận thì tài sản được đem ra bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

    Chấm dứt cầm cố tài sản trong trường hợp sau đây (Căn cứ Điều 315 Bộ luật dân sự 2015):

    - Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

    - Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

    - Tài sản cầm cố đã được xử lý.

    - Theo thỏa thuận của các bên.

    Như vậy, từ những căn cứ trên cho thấy để bạn cầm cố tài sản đúng luật và tránh bị lừa thì khi bạn cầm cố cần chú ý trong hoạt động cầm cố phải có hợp đồng cầm cố tài sản. Trong đó cần xác định tên, địa chỉ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, nghĩa vụ được đảm bảo, tài sản cầm cố, giá trị tài sản cầm cố, thời hạn cầm cố, quyền và nghĩa vụ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, xử lý tài sản cầm cố, cam kết của các bên, hiệu lực của hợp đồng cầm cố… để thuận lợi cho việc xử lý khi có tranh chấp.

    Đặc biệt đối với những tài sản cầm cố, thế chấp có giá trị cần được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký giao dịch đảm bảo.

    Lưu ý: khi ra chứng thực hợp đồng cầm cố tài sản cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng để đảm bảo các nội dung nêu trên, tránh bị lừa ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng luôn tài sản.

    Tham khảo thêm:

    >>> PHÂN BIỆT THẾ CHẤP VÀ CẤM CỐ;

    >>> Phân biệt “Cầm giữ tài sản” và “Cầm cố tài sản”;

    >>> Sổ đỏ có cầm cố được không?

    Cập nhật bởi Linhngo99 ngày 18/11/2019 05:14:18 CH
     
    18702 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn Linhngo99 vì bài viết hữu ích
    PhongQLRRTD (15/10/2023) ThanhLongLS (18/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận