Khách hàng dùng điện có thể tra cứu số tiền điện hàng tháng, thậm chí hàng ngày qua website hoặc app chăm sóc khách hàng của ngành điện.
Các kênh giám sát chỉ số công tơ điện, tiền điện
Hiện điện lực mỗi địa phương đều có website chăm sóc khách hàng, app (ứng dụng) hoặc thông báo thông tin cho khách hàng qua Email, Zalo... để theo dõi chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng, hoá đơn tiền điện...
Chẳng hạn tại các quận nội thành Hà Nội, hộ dùng điện có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày qua website http://cskh.evnhanoi.com.vn, bằng cách đăng nhập mã khách hàng và mật khẩu (gọi tổng đài 19001288 để được cung cấp). Sau khi đăng nhập, khách hàng có thể tra cứu: hoá đơn tiền điện hàng tháng, lịch sử thanh toán; tra cứu chỉ số tiêu thụ điện theo tháng hoặc theo ngày.
Theo dõi lượng điện tiêu thụ của một hộ gia đình ở Hà Nội trên website chăm sóc khách hàng. Ảnh chụp màn hình
Về app, ở khu vực Hà Nội có thể tải App EVNHANOI, tại TP HCM là EVNHCMC; miền Bắc EVNNPC, miền Trung EVNCPC...
Tuy nhiên, tính năng theo dõi lượng điện tiêu thụ trong ngày hiện chỉ được ngành điện áp dụng với khu vực đã chuyển đổi sang công tơ điện tử đo xa (công nghệ PLC, RF-Mesh). Với công tơ điện tử đo gần (qua thiếu bị HHU, công tơ cơ...), chỉ có thể theo dõi hoá đơn phát sinh, chỉ số dùng điện hàng tháng.
Ngoài qua website, app chăm sóc khách hàng, người dân cũng có thể theo dõi trang Zalo của các tổng công ty điện lực như EVNHANOI, EVNHCMC... Ở lần đầu tiên đăng nhập, người dùng sẽ phải đăng ký qua đường link ngành điện cung cấp, và nhập mã khách hàng, mật khẩu. Sau đó, nhấn nút "Gửi tin nhắn" hoặc chọn mục "Tra cứu", "Thông tin" để lựa chọn thông tin cần theo dõi; hoặc chọn "Hỗ trợ" để được giải đáp.
Ngoài ra, khách hàng dùng điện có thể gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 của các tổng công ty điện lực để khiếu nại, hỗ trợ. Ví dụ, tại Hà Nội là 19001288, tại TP HCM 1900545454...
Công cụ tính tiền điện
Biểu giá bán lẻ sinh hoạt hiện áp dụng theo 6 bậc thang, với mức giá thấp nhất bậc 1 (0-50 kWh) là 1.678 đồng một kWh, cao nhất bậc 6 từ 401 trở lên là 2.927 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Biểu giá này được áp dụng từ tháng 3/2019.
Nhận thông báo chỉ số điện tiêu thụ trong tháng của điện lực gửi về (email, tin nhắn...) nhưng khách hàng dùng điện nghi ngờ việc tính tiền điện chưa chính xác, thì có thể sử dụng công cụ tính hoá đơn tiền điện để kiểm tra. Hiện, công cụ này được ngành điện tích hợp trên các website của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoặc website chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực, điện lực địa phương. Khách hàng không cần đăng nhập bằng mã khách hàng và mật khẩu khi sử dụng công cụ này.
Chẳng hạn, muốn tính hoá đơn tiền điện, khách hàng truy cập website http://evn.com.vn, vào mục EVN & khách hàng, chọn "Giá điện", rồi chọn "Công cụ tính hoá đơn tiền điện".
Công cụ tính hoá đơn tiền điện
Làm sao để biết đang dùng công tơ cơ hay điện tử?
Công tơ điện là thiết bị đo đếm điện năng tiêu thụ. Hiện ngành điện áp dụng đồng thời song song công tơ cơ (khí) và công tơ điện tử. Tỷ lệ công tơ điện tử đang sử dụng trên toàn quốc khoảng 54%, và theo lộ trình đến năm 2025, EVN sẽ thay thế 100% tại các thành phố lớn thuộc quản lý của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, TP HCM và miền Trung. Với điện lực miền Bắc và miền Nam, sẽ thay thế 100% công tơ điện tử tại khu vực thị trấn, thị xã, còn các khu vực khác khoảng 50%.
Khi thay thế chuyển sang công tơ điện tử, công ty điện lực sẽ gửi thông báo cho khách hàng. Ngoài ra, hai loại công tơ này có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường và qua cách ghi chỉ số công tơ của điện lực.
Phân biệt công tơ cơ và công tơ điện tử bằng mắt thường, công tơ cơ sẽ đo đếm chỉ số điện năng qua lượt vòng quay đĩa nhôm và hiển thị số điện tiêu thụ. Còn công tơ điện không có vòng quay đĩa nhôm, hiển thị số điện tiêu thụ bằng số điện tử.
Trong đó, công tơ điện tử đo xa có đèn tín hiệu màu đỏ, nháy theo chu kỳ tương tự một vòng quay của công tơ cơ. Còn công tơ điện tử đo gần bằng thiết bị HHU có đèn tín hiệu nhưng không nháy liên tục, mà chỉ nháy khi công nhân đưa thiết bị HHU lại gần để thu nạp dữ liệu.
Phân biệt qua cách ghi chỉ số công tơ. Với công tơ cơ, công nhân điện lực phải trực tiếp ghi chỉ số bằng ảnh chụp qua camera, dữ liệu sẽ được cập nhật vào phần mềm máy tính bảng, sau đó được truyền về máy chủ.
Còn công tơ điện tử, nếu là loại đo xa (công nghệ PLC, RF- Mesh...) sẽ tự động truyền dữ liệu hàng ngày về máy chủ trung tâm và người sử dụng điện có thể tra cứu sản lượng trên website chăm sóc khách hàng. Trường hợp đo gần, chỉ số sẽ được công nhân điện lực đo đếm vào ngày cố định hàng tháng thông qua thiết bị đo xa HHU. Họ phải tới gần công tơ và thu thập dữ liệu qua thiết bị này, dữ liệu sau đó được truyền về máy chủ.
Công tơ điện tử kết cấu nhỏ gọn, thuận tiện trong lắp đặt, có khả năng mở rộng và tích hợp thêm các module rời nhằm bổ sung các tiện ích riêng theo nhu cầu của người sử dụng; đo đếm đa chức năng và có các cổng giao tiếp dữ liệu cho phép kết nối vào các hệ thống thu thập dữ liệu tự động từ xa qua các mạng truyền dẫn phổ biến như GSM, GPRS, 3G, Wifi...
Công tơ điện tử 'chạy nhanh hơn' công tơ cơ?
Công tơ điện tử có sai số cho phép theo quy chuẩn là +/- 1%, nên loại công tơ này nhạy hơn công tơ điện cơ, có khả năng tính được cả lượng điện công suất nhỏ nhất như đèn led, đèn chờ ti vi, đèn ngủ, sạc pin điện thoại... Vì thế, nếu khách hàng có thói quen tắt các thiết bị điện bằng điều khiển từ xa, hoặc để các thiết bị điện ở chế độ chờ thì vẫn tiêu hao một phần điện năng và công tơ điện tử với độ chính xác cao vẫn có thể đo đếm được phần điện năng này.
Theo Vnexpress