Đến hẹn lại lên, mùa tuyển quân hằng năm lại đến. Như mọi năm thì các topic về nghĩa vụ quân sự nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về các quy định pháp luật về tuyển chọn quân. Bên cạnh đó, mình nhận thấy có rất nhiều phản hồi về việc các địa phương áp dụng không đúng các quy định pháp luật trong công tác tuyển chọn, dẫn đến việc người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng vẫn phải lên đường nhập ngũ. Đa số các trường hợp được đề cập đến như vậy đều phải “cam chịu”, vì không biết “kêu” ở đâu, “than” với ai để đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình. Nhận thấy vậy, hôm nay mình xin có đôi lời để giúp các bạn nam trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự tham khảo để tránh trường hợp “yếu” những vẫn phải đi lính.
Đối với những công dân nam đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự mà vấn đề về sức khỏe, mà địa phương vẫn điền tên vào danh sách nhập ngũ thì cũng không cần phải quá lo lắng. Vì theo quy định thì, trên đường đi nhập ngũ, lúc đến đơn vị nhận quân thì vẫn phải tiến hành khám sức khỏe phúc tra lại một lần cuối cùng. Lần khám này làm rất chặt, vì các đơn vị quân đội không nơi nào muốn nhận một binh sĩ không đủ điều kiện sức khỏe cả. Và nếu các bạn không đủ tiêu chuẩn thì lập tức các bạn sẽ được trả về địa phương. Đây là lời khuyên dành cho các bạn đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ mà chưa kịp làm các thủ tục khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật nếu có sai phạm trong công tác tuyển quân làm ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân mình.
Còn với các trường hợp đang trong quá trình gọi khám nghĩa vụ, bao gồm khám sơ tuyển và khám vòng 2. Điều đầu tiên là các bạn phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cơ bản về nghĩa vụ quân sự, đơn cử như về điều kiện, tiêu chuẩn sức khỏe… để tự mình có thể nhận định được rằng mình có phải là đối tượng lên đường nhập ngũ phục vụ Tổ quốc hay không. Những bài viết về điều kiện sức khỏe, tiêu chuẩn tuyển quân… thì trên Diễn đàn Dân luật có cũng khá đầy đủ rồi, các bạn viết bài chia sẻ cũng trả lời tư vấn rất nhiệt tình đối với các câu hỏi của các thành viên đặt ra rồi. Mình xinh dẫn lại để các bạn đọc tham khảo thêm như:
>>> Những điều cần biết về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2016 <<<
>>> Mọi thắc mắc về NGHĨA VỤ QUÂN SỰ 2015 sẽ được giải đáp tại đây! <<<
>>> Nghĩa vụ quân sự 2016: Tất tần tật trường hợp được tạm hoãn, miễn <<<
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP và Thông tư 140/2015/TT-BQP.
Khi đã nắm được các quy định rồi thì cứ mạnh dạn lên đường đi khám nghĩa vụ thôi. Tuyệt đối không được trốn khám nghĩa vụ khi có giấy gọi nhé. Vì trốn lần đầu bạn sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP. Nếu trốn lần 02 bạn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cho nên các bạn cứ mạnh dạn đi khám, nếu bạn không đủ tiêu chuẩn sức khỏe thì về lý không ai bắt bạn đi cả. Còn nếu xảy ra những hành vi sai phạm trong quá trình tuyển chọn để bắt bạn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bạn vẫn còn đó quyền khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ nhất, đối với vòng khám sơ tuyển tại cấp xã/phường/thị trấn, các cán bộ y tế hoặc các cá nhân khác cố tình làm sai lệch kết quả khám sức khỏe của bạn thì ngay lập tức bạn có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn để được giải quyết. Quyền này được quy định tại Điều 17 Luật Khiếu nại 2011.
Đến với phòng khám sức khỏe tại cấp huyện, nếu có sự sai lệch hoặc vi phạm những quy định về tuyển quân thì bạn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện để yêu cầu giải quyết. Việc khiếu nại, có thể liên hệ trực tiếp hoặc thực hiện bằng văn bản.
Mẫu đơn khiếu nại và tố cáo mình xin đính kèm bên dưới để các bạn tham khảo.
Ngoài ra, các bạn nếu có bằng chứng đầy đủ về những sai phạm trong công tác tuyển quân, ngoài việc khiếu nại để đòi quyền lợi, các bạn có thể thực hiện quyền tố cáo của công dân để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) theo quy định của Luật tố cáo 2011 và Luật nghĩa vụ quân sự 2015. Đơn tố cáo các bạn có thể gửi về Hội đồng tuyển quân cấp xã, huyện hoặc gửi trực tiếp đến Chủ tịch UBND cấp tương ứng.
Nếu như khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện mà không được giải quyết, thì lúc này căn cứ vào Điều 33 của Luật tố tụng hành chính 2015 thì bạn có quyền làm thủ tục khởi kiện hành chính về việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trong công tác tuyển quân không thể tránh khỏi những sai sót, bất cập, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, không còn cách nào khác, mọi công dân cần trang bị kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình. Và mình hy vọng bài viết này của mình sẽ giúp ích được các bạn nam đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự mà không đủ điều kiện nhập ngũ nhưng vẫn phải “lên đường” vì những sai phạm trong quá trình tuyển quân.