Cách chứng minh “tài sản riêng của vợ, chồng” trong thời kỳ hôn nhân?

Chủ đề   RSS   
  • #494594 19/06/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Cách chứng minh “tài sản riêng của vợ, chồng” trong thời kỳ hôn nhân?

    Khi kết hôn và xác lập quan hệ vợ chồng, kể từ thời điểm đó, pháp luật ghi nhận chế định về “Tài sản chung của vợ chồng” được hình thành trên căn cứ hôn nhân. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân sẽ vẫn tồn tại chế định về “Tài sản riêng của vợ, chồng” nhằm phân định rõ ràng quyền lợi riêng của mỗi bên vợ, chồng.

    Và thực tế, không tránh khỏi trường hợp, một bên cho rằng tài sản này là tài sản riêng của mình, nhưng bên kia lại cho rằng đó là tài sản chung. Vậy trong trường hợp này, phải làm cách nào để chứng minh đó là tài sản riêng của một bên. Bài viết dưới đây trên cơ sở phân tích các quy định pháp lý liên quan sẽ giải đáp thắc mắc trên.

    Trước hết, để chứng minh là tài sản riêng thì chúng ta cần biết những tài sản nào được pháp luật công nhận là tài sản riêng của một bên vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng bao gồm các nhóm tài sản sau:

    NHÓM 1: Thời điểm có tài sản trước khi kết hôn

    - Thứ nhất: Tài sản riêng của vợ, chồng mà mỗi người có trước khi kết hôn;

    - Thứ hai: Tài sản được chia riêng theo Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn theo Điều 47, 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    NHÓM 2: Thời điểm có tài sản trong khi kết hôn

    Thứ ba: Tài sản được thừa kế riêng 

    Thứ tư: Tài sản được tặng cho riêng 

    Thứ năm: Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người

    Thứ sáu: Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Cụ thể, quy định đối với các loại tài sản này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình 2014), bao gồm các loại tài sản sau:

          + Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

         + Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

         + Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

    - Thứ bảy: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của mỗi người;

    - Thứ tám: Tài sản được chia riêng theo Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;

    - Thứ chín: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng.

    Như vậy, chúng ta có thể đúc kết ra việc xác định tài sản là tài sản riêng của một bên vợ, chồng thì phải dựa vào 03 yếu tố chính:

           (1) Ngồn gốc tài sản;

           (2) Thời điểm tạo lập tài sản.

           (3) Thỏa thuận xác lập tài sản giữa vợ, chồng.

    Chính vì vậy, việc chứng minh tài sản riêng cũng chính là đi chứng minh 03 yếu tố trên.

    Trước tiên, xét đến nguồn gốc của tài sản: Chúng ta phải xác định được tài sản đó có được là bắt đầu từ đâu?

    + Có phải của ông bà tổ tiên bạn để lại hay của bố mẹ, người thân tặng cho riêng cá nhân bạn, hay bạn là người thừa kế hay không?

    +  Nếu tài sản đó được mua bằng tiền thì tiền đó là từ đâu mà có, nếu từ tiền riêng của bạn, từ tài sản tiêng của bạn hay nói cách khác phải xác định tài sản đó có phải  là tài sản được hình thành từ tài sản riêng của bạn hay không?

    + Đã có cơ quan nào xác nhận là tài sản riêng của bạn hay chưa?

    Đối với việc chứng minh thời điểm tạo lập tài sản: Phải xác định được thời điểm bạn có tài sản là trước hay sau khi đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, tài sản được tạo lập trước thời điểm kết hôn sẽ là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.

    Tuy nhiên, có thể nói, yếu tố quyết định nhất trong việc xác định tài sản riêng của vợ, chồng vẫn là THỎA THUẬN XÁC LẬP CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG. Hai yếu tố trên về (1) Nguồn gốc tài sản và (2) Thời điểm tạo lập tài sản cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các bên có thỏa thuận hợp pháp khác. Cụ thể, đó là các thỏa thuận sau:

        + Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn (Điều 47)

        + Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38)

        + Thỏa thuận về tài sản khác theo quy định

    Điều này có nghĩa, cho dù tài sản đó có nguồn gốc và thời điểm rõ ràng được xác định là tài sản riêng của một bên vợ, chồng theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình, và bạn cũng có đầy đủ giấy tờ chứng minh đây là tài sản riêng, nhưng nếu trước đó, vợ chồng bạn đã từng ký một trong 03 loại thỏa thuận mà mình vừa nêu trên một cách hợp pháp thì việc xác định tài sản đó là tài sản chung hay riêng chỉ cần dựa theo thỏa thuận để xác định mà thôi.

    Pháp luật vẫn đặt quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của vợ chồng ở vị trí cao nhất và được tôn trọng nhất. Vậy nên, cách tốt nhất để rõ ràng tài sản chung riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì vợ, chồng nên có thỏa thuận minh bạch, cụ thể với nhau.

    Mặt khác, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng ghi nhận “nguyên tắc suy đoán” trong việc chứng minh tài sản riêng của một bên vợ, chồng, đó là: Nếu trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

    Do vậy, nếu không có đủ căn cứ để chứng minh tài sản riêng thì đương nhiên tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung của cả hai vợ chồng.

     
    24416 | Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    admin (22/05/2023) nvhong2403 (28/06/2018) ptnmtphutan (27/06/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận