Các trường hợp phải thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo Luật Đất đai 2024

Chủ đề   RSS   
  • #616492 18/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Các trường hợp phải thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo Luật Đất đai 2024

    Bản đồ địa chính là gì? Các trường hợp nào phải chỉnh lý bản đồ địa chính? Căn cứ để thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Bản đồ địa chính là gì?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024, bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

    Việc đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính là một trong các nội dung thuộc quản lý của nhà nước về đất đai và UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính ở địa phương và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (căn cứ theo khoản 4 Điều 20 và khoản 3 Điều 50 Luật Đất đai 2024).

    Theo đó, bản đồ địa chính được xem là cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính cấp xã; nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì được lập theo đơn vị hành chính cấp huyện.

    (2) Các trường hợp phải thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo Luật Đất đai 2024

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, bản đồ địa chính được chỉnh lý dựa trên một trong các trường hợp sau:

    1- Có sự thay đổi về ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất

    2- Có sự thay đổi về các yếu tố liên quan đến nội dung bản đồ địa chính, bao gồm:

    + Khung bản đồ;

    + Điểm khống chế tọa độ, độ cao;

    + Mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp;

    + Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất;

    + Nhà ở và công trình xây dựng khác;

    + Địa vật, công trình có ý nghĩa định hướng cao;

    + Mốc giới quy hoạch;

    + Chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;

    + Ghi chú thuyết minh;

    + Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao.

    Như vậy, khi rơi vào các trường hợp kể trên, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, đối chiếu, thực hiện chỉnh lý biến động bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai và thông báo việc cập nhật, chỉnh lý biến động cho UBND cấp xã.

    (3) Căn cứ thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính là gì?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, bản đồ địa chính được chỉnh lý dựa trên một trong các căn cứ sau:

    - Các loại giấy tờ:

    + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

    + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

    + Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng,

    + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

    + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

    + Quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    + Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định về thi hành án của cơ quan thi hành án đã có hiệu lực thi hành;

    + Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai của cấp có thẩm quyền;

    + Các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến thửa đất;

    + Quyết định của cấp có thẩm quyền về thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới mà hồ sơ địa giới hành chính đã được thiết lập;

    - Văn bản của cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp, UBND cấp xã khi phát hiện có sai sót của bản đồ địa chính hoặc phản ánh về ranh giới thửa đất bị thay đổi do sạt lở, sụt đất tự nhiên;

    - Văn bản về thay đổi chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;

    - Văn bản, quyết định của cấp có thẩm quyền có nội dung dẫn đến thay đổi trong chia mảnh và thay đổi số thứ tự mảnh bản đồ địa chính;

    - Kết quả kiểm tra của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất có văn bản phản ánh về các sai khác thông tin của thửa đất.

    Như vậy, khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính phải dựa vào một trong các căn cứ nêu trên, những căn cứ này đảm bảo tính hợp pháp và chính xác của thông tin trên bản đồ địa chính.

    Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả.

     
    200 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận