Theo quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, luật này cũng đưa ra một số trường hợp, công dân có thể được miễn gọi nhập ngũ, miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Theo quy định tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì các đối tượng sau sẽ được miễn gọi nhập ngũ:
a) Con của liệt sĩ, thương binh hạng một.
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
d) Người làm công tác cơ yếu không phải quân nhân, công an nhân dân.
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Ngoài ra công dân cũng có thể được tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Tuy nhiên, mặc dù thuộc các trường hợp nêu trên, nhưng công dân tự nguyện xin nhập ngũ và có đơn xin nhập ngũ và đáp ứng được các yêu cầu chung dành cho các đối tượng nhập ngũ thì vẫn có thể được tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo nguyện vọng.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự còn thể hiện tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc khi Tổ quốc cần. Ngoài ra, tham gia nghĩa vụ quân sự còn giúp rèn luyện bản thân, thay đổi lối sống và sống tích cực hơn.