Quỹ tín dụng nhân dân bao gồm các thành viên là pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của tổ chức được quy định tại Thông tư 29/2024/TT-NHNN.
1. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên quỹ tín dụng nhân dân
Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN thì các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên được quy định như sau:
a) Trường hợp đương nhiên mất tư cách:
- Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích;
- Thành viên là pháp nhân chấm dứt tư cách pháp nhân;
- Thành viên không còn đáp ứng điều kiện để trở thành thành viên theo quy định tại Điều 8 Thông tư 29/2024/TT-NHNN, trừ trường hợp quy định tại điểm c(i) khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN;
- Thành viên đã chuyển nhượng hết vốn góp cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
b) Trường hợp tự nguyện:
- Thành viên tự nguyện và được Hội đồng quản trị chấp thuận cho ra khỏi thành viên quỹ tín dụng nhân dân;
c) Trường hợp khai trừ:
Thành viên bị Đại hội thành viên khai trừ ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân do:
- Không đảm bảo đủ vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 29/2024/TT-NHNN;
- Có hành vi giả mạo, gian lận hồ sơ thành viên;
- Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
2. Xử lý vốn góp của thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên
Theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN việc xử lý vốn góp của thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN thực hiện như sau:
a) Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm a(i), a(ii), a(iii) khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN:
- Được chuyển nhượng vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN hoặc được hoàn trả vốn góp theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN;
- Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: quyền, nghĩa vụ của thành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Thành viên là pháp nhân chấm dứt tư cách pháp nhân: thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức lại, giải thể, phá sản;
b) Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN: Thành viên được chuyển nhượng vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN hoặc được hoàn trả vốn góp theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN;
c) Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN: Thành viên không được chuyển nhượng vốn góp. Việc hoàn trả vốn góp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN.
Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 29/2024/TT-NHNN thì Quỹ tín dụng nhân dân hoàn trả phần vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên hoặc hoàn trả phần vốn góp vượt quá tổng mức vốn góp tối đa của thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 29/2024/TT-NHNN và Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
Hội đồng quản trị quyết định việc chấm dứt tư cách thành viên và tổng hợp danh sách trong kỳ báo cáo tại cuộc họp Đại hội thành viên gần nhất.
Thành viên chấm dứt tư cách thành viên được hưởng phúc lợi (nếu có) theo quyết định của Đại hội thành viên sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
Tóm lại, tư cách thành viên của quỹ tín dụng nhân dân được chấm dứt với 3 trường hợp là đương nhiên mất tư cách, tự nguyện và khai trừ và được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-NHNN.