Từ ngày 01/6/2024, 04 trường hợp sau đây khi bị thu hồi giấy phép lái xe phải chờ đến 05 năm sau mới được làm thủ tục cấp lại
(1) Các trường hợp bị thu hồi bằng lái xe theo quy định mới nhất hiện nay
Thu hồi bằng lái xe (GPLX) là một trong những hình thức xử phạt khi người tham gia giao thông vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ. Trong đó, có một số trường hợp bị thu hồi bằng lái mà phải đến 05 năm sau mới được cấp giấy phép lái xe.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, các trường hợp bị thu hồi bằng lái xe bao gồm:
1- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe
2- Người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe
3- Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình
4- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện
5- Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký
6- Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Như vậy, người vi phạm các lỗi trên sẽ bị thu hồi bằng lái xe kể từ ngày 01/6/2024.
(2) Các trường hợp bị thu hồi bằng lái phải chờ 5 năm sau mới được cấp lại
Theo đó, khoản 16 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung tại điểm d khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định, khi bị thu hồi bằng lái xe tại trường hợp 1, 2, 4, 6 nêu trên thì bằng lái không có giá trị sử dụng, Cơ quan quản lý giấy phép lái xe cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin giấy phép lái xe kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Người có hành vi vi phạm thuộc 04 trường hợp này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Ngoài ra, tại khoản 17 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung bởi điểm đ khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có quy định, người lái xe có các hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả, sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, Cơ quan quản lý giấy phép lái xe cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin giấy phép lái xe kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm
Theo đó, người có hành vi vi phạm này cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu giống với 04 trường hợp kể trên.
Tổng hợp lại, người vi phạm một trong các trường hợp sau đây sẽ phải chờ 05 năm sau kể từ ngày quyết định xử phạt, thu hồi bằng lái có hiệu lực mới được cấp lại bằng lái xe, và phải học và thi sát hạch bằng lái xe như khi cấp bằng lái lần đầu:
- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe
- Người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe
- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện
- Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy
- Sử dụng giấy phép lái xe giả, sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ
Cuối cùng, người bị thu hồi bằng lái xe trong trường hợp để người khác sử dụng bằng lái của mình sẽ không được cấp lại bằng lái trong thời hạn 01 năm. Khi có nhu cầu cấp lại bằng lái, cá nhân đăng ký với Sở Giao thông vận tải để sát hạch lại các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Trên đây là các trường hợp bị thu hồi bằng lái xe và phải chờ một khoản thời gian từ 01 năm đến 05 năm (tùy trường hợp) sau khi bị phạt mới được phép làm thủ tục cấp lại bằng lái xe.