Tình huống đặt ra là cá nhân trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Vậy họ có được trả tiền công, tiền lương hay tham gia bảo hiểm xã hội gì không? Ngoài ra có những chính sách gì đặc thù cho đối tượng này hay không?
Chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân
Liên quan vấn đề này, tại Điều 3 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có nêu về chính sách tiền lương của đại biểu như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 0,12 mức lương cơ sở/ngày; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 0,14 mức lương cơ sở/ngày; Ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân là ngày tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân theo kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Tiếp đến, đại biểu Hội đồng nhân dân còn được hỗ trợ hoạt động phí. Cụ thể đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở;
Ngoài ra, đại biểu Hội đồng nhân dân còn có các chế độ, chính sách khác như:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân nếu từ trần mà người lo mai táng không đủ Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mai táng từ ngân sách nhà nước thì được hưởng một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp đó chi trả từ ngân sách nhà nước;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét khen thưởng theo quy định.
Theo đó, có thể thấy tùy theo từng trường hợp mà đại biểu Hội đồng nhân dân có những chính sách riêng của mình.
Đảm bảo điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân
Bên cạnh các chế độ, chính sách, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng sẽ được đảm bảo các điều kiện để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong suốt nhiệm kỳ. Cụ thể tại Điều 5 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có nêu như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được bảo đảm chỗ làm việc, trang thiết bị văn phòng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân được cung cấp báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân. Việc cung cấp báo chí và thông tin cần thiết khác cho đại biểu Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân được cấp kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát; hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; nghiên cứu; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.