Các nguyên tắc cần đảm bảo khi đặt tên tuyến, tên ga đường sắt hiện nay

Chủ đề   RSS   
  • #616611 20/09/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 82 lần


    Các nguyên tắc cần đảm bảo khi đặt tên tuyến, tên ga đường sắt hiện nay

    Cho tôi hỏi việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt cần phải tuân thủ theo nguyên tắc gì và cơ quan nào có thẩm quyền đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt? Những hoạt động, sử dụng đất nào được thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường sắt? 

    Nguyên tắc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt 

    Theo Điều 4 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định các nguyên tắc đặt tên, đổi tên tuyến, ga đường sắt như sau: 

    - Các tuyến, ga đường sắt hiện hữu được giữ nguyên tên như hiện nay;

    - Trường hợp thay đổi tên tuyến, tên ga đường sắt hiện hữu, phải đặt tên theo quy định của Nghị định này trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua;

    - Tên tuyến đường sắt được đặt theo tên điểm đầu và điểm cuối của tuyến hoặc đặt tên theo số thứ tự hoặc ký tự liên tục. Điểm đầu, điểm cuối là tên của địa danh nơi có ga đầu, ga cuối của tuyến;

    - Trường hợp tuyến đường sắt nhánh có kết nối với tuyến đường sắt chính, điểm đầu của tuyến đường sắt nhánh này được tính tại vị trí kết nối với tuyến đường sắt chính;

    - Tên ga được đặt theo địa danh, tên các danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc, tên di tích lịch sử - văn hóa tại vị trí đặt ga, theo số thứ tự hoặc ký tự;

    - Tên ga trên một tuyến không được trùng nhau, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục của địa phương nơi đặt ga và đất nước.

    Theo đó tuyến, ga đường sắt hiện nay vẫn sẽ được giữ nguyên tên. Dựa trên đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua mà sẽ tiến hành thay đổi tên tuyến, tên ga đường sắt hiện hữu.

    Lưu ý: Tên tuyến, tên ga đường sắt phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt chịu trách nhiệm công bố tên tuyến, tên ga đường sắt theo quy định của pháp luật.

    Thẩm quyền đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt

    Theo Điều 5 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định:

    - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt quốc gia;

    - Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý;

    - Nhà đầu tư quyết định đặt tên, đổi tên tuyến, tên ga đường sắt chuyên dùng do mình đầu tư, phải phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và pháp luật của Việt Nam.

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tuyến đường sắt đi qua gửi văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền như trên để đổi tên tuyến, tên ga đường sắt. Nhà đầu tư quyết định đổi tên tuyến, tên ga đường sắt hiện hữu, tuân thủ quy định.

    Hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt

    Theo Điều 27 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định:

    - Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau:

    + Tập kết tạm vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công công trình đường sắt nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn cho người tham gia giao thông, an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ;

    + Xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trong vùng kiểm soát xây dựng công trình khác của công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 56/2018/NĐ-CP nếu không thể bố trí công trình này nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thiết yếu phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ, bảo đảm an toàn công trình và an toàn giao thông vận tải đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện.

    - Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt được tạm thời sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, được trồng cây thấp dưới 1,5 mét nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn, ổn định công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong quá trình khai thác.

    - Trong khu vực ga, nhà ga đường sắt, việc lắp đặt biển quảng cáo thương mại, biển tuyên truyền an toàn giao thông phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo và không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, an toàn chạy tàu.

    - Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt trong các trường hợp sau:

    + Xây dựng các công trình kiến trúc, trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;

    + Xây dựng các công trình không liên quan đến công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị trong vùng không được xây dựng công trình khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 56/2018/NĐ-CP.

    Như vậy hiện tại việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt cần phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định pháp luật. Trong đó phải đảm bảo tên ga trên một tuyến không được trùng nhau, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục của địa phương nơi đặt ga và đất nước.

     
    55 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận