Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo, cao đẹp, giúp người. Hiến máu có 2 hình thức là hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện. Theo đó, hiến máu tình nguyện là một hoạt động không còn xa lạ đối với sinh viên, thể hiện tinh thần tương thân tương ái.
Tuy là hiến máu tình nguyện nhưng pháp luật quy định rõ những mức hỗ trợ đối với đối tượng này. Vậy mức hỗ trợ và các quyền lợi cho hiến máu tình nguyện là gì? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này.
Hiến máu là gì?
Hiến máu là một hoạt động mà một người tự nguyện cho máu của mình tại các cơ sở y tế được nhà nước chỉ định. Để dùng cho mục đích truyền máu hay chế tạo dược phẩm bằng quá trình phân đoạn (tách các thành phần trong máu). Như vậy, máu của họ được sử dụng vào mục đích nhân đạo, đều mang ý nghĩa giúp đỡ cho cộng đồng.
Điều kiện hiến máu
Điều kiện để được hiến máu theo tiêu chuẩn của Bộ y tế. Trong đó, yêu cầu vệ độ tuổi, cân nặng, điều kiện sức khỏe. Cụ thể như sau:
– Tất cả mọi người từ 18 – 60 tuổi, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.
– Cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45kg đối với nam giới. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.
– Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.
– Thời gian giữa 2 lần hiến máu tối thiểu là 12 tuần đối với cả Nam và Nữ.
– Phải có giấy tờ tùy thân để thực hiện kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin.
Bên cạnh đó, những người thuộc các trường hợp sau thì không nên hiến máu:
- Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.
- Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các virus lây qua đường truyền máu.
- Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày,…
Các đối tượng này có máu không đảm bảo yêu cầu chất lượng, mục đích sử dụng.
Mức hỗ trợ đối với người hiến máu tình nguyện
Theo điểm a, b, c khoản 4 Điều 4 Thông tư 17/2020/TT-BYT quy định về mức hỗ trợ đối với trường hợp người hiến máu tình nguyện. Họ được nhận các hỗ trợ cả về hiện vật, tiền và các gói chăm sóc sức khỏe như sau:
Đối với người hiến máu toàn phần:
+ Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Họ được nhận một trong hai hình thức, có giá trị tối thiểu như sau:
- Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;
- Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;
- Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
Đối với người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu:
+ Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:
- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 150.000 đồng;
- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 200.000 đồng;
- Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.
Trong đó:
+ Các phần quà có thể liệt kê như bình nước, gấu bông, ô, khăn tắm,…
+ Các gói dịch vụ khám, chữa bệnh: Tùy vào lượng máu hiến mà các dịch vụ được cung cấp cũng khác nhau. Trong đó, một lượng máu sẽ được lấy ra để thực hiện các xét nghiệm, trả kết quả về tin nhắn điện thoại cho người hiến máu.
Hỗ trợ chi phí đi lại
+ Bên cạnh đó, đối với người hiến máu tình nguyện còn được hỗ trợ chi hỗ trợ chi phí đi lại: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.
Những điều lưu ý sau khi hiến máu
Nên làm:
- Chỉ rời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.
- Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn: nên nằm nghỉ 10 – 15 phút.
- Uống nhiều nước sau khi hiến máu.
- Để miếng băng dán sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi.
- Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.
Không nên làm:
- Uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu.
- Làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ …) trong hai ngày đầu.
- Các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.