Hiện nay tại Việt Nam có các lực lượng chuyên trách bảo vệ anh ninh mạng thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Cùng tìm hiểu sâu hơn về lực lượng này qua bài viết sau đây nhé.
Các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam
Theo Điều 30 Luật An ninh mạng 2018 quy định về lực lượng bảo vệ an ninh mạng như sau:
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
- Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.
Cụ thể. tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bao gồm:
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an gồm: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng gồm:
+ Cục Bảo vệ an ninh Quân đội
+ Tổng cục Chính trị
+ Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng
Như vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam hiện nay do hai Bộ quản lý là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, tại các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cũng có bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
Trình tự giám sát an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng
Theo Điều 15 Luật An ninh mạng 2018 quy định về trình tự, thủ tục giám sát an ninh mạng như sau:
- Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện giám sát an ninh mạng đối với không gian mạng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Trình tự giám sát an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
(1) Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng tới chủ quản hệ thống thông tin; trong văn bản nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và phạm vi tiến hành giám sát an ninh mạng;
(2) Triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng;
(3) Định kỳ thống kê, báo cáo kết quả giám sát an ninh mạng.
- Kết quả giám sát an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trình tự giám sát an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ là gửi thông báo tới chủ quản hệ thống thông tin => triển khai biện pháp giám sát => định kỳ thống kê, báo cáo kết quả giám sát.
Ai có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam?
Theo Điều 32 Luật An ninh mạng 2018 quy định về tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng như sau:
- Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng thì có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
- Ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng có chất lượng cao.
- Ưu tiên phát triển cơ sở đào tạo an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích liên kết, tạo cơ hội hợp tác về an ninh mạng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, trong nước và ngoài nước.
Như vậy, công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn sẽ có thể tham gia tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam.