Hiện nay, Nhà nước ta đang khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp?
Các hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp?
Căn cứ Điều 96 Luật lâm nghiệp 2017 có quy định về các hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp như sau:
- Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong các hoạt động sau đây:
+ Điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng;
+ Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;
+ Chọn, tạo, nhân giống cây trồng thân gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;
+ Thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng;
+ Phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo;
+ Khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản;
+ Công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
- Nghiên cứu hệ sinh thái rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.
-. Nghiên cứu giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; mô hình lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững.
- Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp.
Như vậy, để đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp thì Nhà nước đã ban hành các hoạt động theo quy định nêu trên để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác khoa học và công nghệ về lâm nghiệp.
Chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 97 Luật lâm nghiệp 2017 có quy định về chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp như sau:
- Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lâm nghiệp.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1, các khoản 2, 3 và 6 Điều 96 Luật lâm nghiệp 2017
-. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 96 Luật lâm nghiệp 2017
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ứng dụng khoa học và công nghệ trong lâm nghiệp tại địa phương hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 102 Luật lâm nghiệp 2017 có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, quyết định chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương;
- Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại địa phương;
- Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng theo thẩm quyền;
- Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức; tổ chức trồng rừng thay thế;
- Tổ chức thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng tại địa phương;
- Cập nhật cơ sở dữ liệu rừng, lập hồ sơ quản lý rừng của địa phương;
- Tổ chức bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; phát triển rừng; sử dụng rừng; chế biến và thị trường lâm sản tại địa phương;
- Quyết định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp tại địa phương;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương;
- Huy động các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng theo thẩm quyền;
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp tại địa phương.
Từ những căn cứ nêu trên, pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động lâm nghiệp trong tương lai theo các chính sách ưu đãi được trích dẫn nêu trên