Các điều kiện để chuyển từ Luật sư sang Công chứng viên

Chủ đề   RSS   
  • #592476 15/10/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Các điều kiện để chuyển từ Luật sư sang Công chứng viên

    Nhằm giúp bạn đọc biết thêm về ngành nghề công chứng và đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong quá trình quyết định nghề nghiệp tương lai, đặc biệt là các cử nhân Luật. Bài viết sẽ cung cấp đến bạn một số thông tin về công chứng viên và trả lời câu hỏi “Liệu làm Luật sư thì có thể chuyển sang Công chứng viên được không và những điều kiện kèm theo là gì?”

    Tiêu chuẩn để trở thành công chứng viên

    Căn cứ theo Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định tiêu chuẩn công chứng viên như sau:

    Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

    -  Có bằng cử nhân luật;

    - Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

    - Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

    - Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

    - Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

    Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn nêu trên thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên.

    Các trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng 

    Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 thì các trường hợp sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:

    - Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

    - Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

    - Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

    - Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

    Theo đó, Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên được miễn đào tạo nghề công chứng.

    Tuy nhiên, khi được miễn đào tạo nghề công chứng, theo khoản 2 Điều 10 Luật Công chứng 2014 thì những người trên vẫn phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng. Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

    Như vậy, sau khi tốt nghiệp đại học Luật, bạn cần phải theo đuổi nghề luật sư ít nhất 05 năm, thì khi đó bạn sẽ được miễn đào tạo nghề công chứng khi muốn trở thành công chứng viên nhưng vẫn phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và học các quy tắc đạo đức hành nghề.

    Có cần phải tập sự khi được miễn đào tạo nghề công chứng hay không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Công chứng 2014 thì người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.

    Như vậy, việc tập sự nghề công chứng vẫn được yêu cầu khi muốn chuyển từ luật sư sang công chứng viên.

    Lưu ý:

    - Người tập sự có thể tự liên hệ với một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự về việc tập sự tại tổ chức đó; trường hợp không tự liên hệ được thì đề nghị Sở Tư pháp ở địa phương nơi người đó muốn tập sự bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự.

    - Người tập sự phải đăng ký tập sự tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.

    - Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự.

    Có cần phải được bổ nhiệm công chứng viên khi được miễn đào tạo nghề công chứng hay không?

    Việc bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện trong tất cả trường hợp kể cả khi được miễn đào tạo nghề công chứng. Các giấy tờ cần thiết cho việc bổ nhiệm được quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-BTP, cụ thể:

    - Người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Công chứng 2014 nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự hành nghề công chứng.

    - Giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 là một trong các giấy tờ sau đây:

    + Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

    + Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    + Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

    + Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên;

    + Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

    Các giấy tờ quy định tại khoản này là bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu.

    - Giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Công chứng là một hoặc một số giấy tờ sau đây:

    + Giấy tờ quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này;

    + Quyết định tuyển dụng, quyết định luân chuyển, điều động, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng;

    + Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này;

    + Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật.

    - Người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên chịu trách nhiệm về tính chính xác, xác thực, hợp pháp của các giấy tờ và thông tin đã khai trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Lưu ý: Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp tiến hành xác minh tính chính xác, xác thực, hợp pháp của giấy tờ và thông tin trong hồ sơ.

    Nội dung bồi dưỡng nghề công chứng

    Căn cứ theo Điều 10 của Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định về nội dung bồi dưỡng nghề công chứng như sau:

    - Kỹ năng hành nghề công chứng, bao gồm việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng, xác định nhân thân, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, kỹ năng nghiệp vụ khác thuộc thẩm quyền của công chứng viên.

    - Kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề công chứng, bao gồm các quy định pháp luật về công chứng, pháp luật dân sự, các quy định pháp luật khác có liên quan.

    - Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên trong hành nghề công chứng, là cơ sở để công chứng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng trong xã hội.

    - Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng (Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan).

    Hồ sơ đăng ký nghề công chứng

    Nội dung của khóa bồi dưỡng nghề công chứng được quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2021/TT-BTP, gồm có:

    - Kỹ năng hành nghề công chứng, bao gồm việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng, xác định nhân thân, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, kỹ năng nghiệp vụ khác thuộc thẩm quyền của công chứng viên.

    - Kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề công chứng, bao gồm các quy định pháp luật về công chứng, pháp luật dân sự, các quy định pháp luật khác có liên quan.

    - Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

    - Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.

    Hồ sơ để đăng ký tham dự theo quy định tại Điều 9 Thông tư 01/2021/TT-BTP như sau:

    - Giấy đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng (Mẫu TP-CC-02);

    - Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư 01/2021/TT-BTP.

    Lưu ý:

    - Hồ sơ lập thành 1 bộ gửi đường bưu chính đến Học viện Tư pháp.

    - Học viện Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai giảng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

     
    639 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (15/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #592505   16/10/2022

    Các điều kiện để chuyển từ Luật sư sang Công chứng viên

    Cảm ơn bài viết hữu ích của bạn. Qua đây mình cũng xin đưa thêm thông tin có liên quan như sau. Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
     
    "Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
    1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:
    […]
    k) Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác;
    [...]"
     
    Theo đó, công chứng viên không được đồng thời kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác. Do đó, việc một cá nhân vừa làm công chứng viên vừa làm luật sư là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
     
    Hơn nữa, trường hợp một cá nhân vừa làm công chứng viên vừa làm luật sư thì sẽ dẫn đến những xung đột về quyền lợi trong việc công chứng hồ sơ, giấy tờ phục vụ cho vụ án, vụ việc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tính khách quan và minh bạch của hồ sơ, giấy tờ.
     
    Báo quản trị |