Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, theo đó các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ như sau:
Các dịch vụ trung gian thanh toán
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm:
- Dịch vụ chuyển mạch tài chính
- Dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế
- Dịch vụ bù trừ điện tử
- Dịch vụ ví điện tử
- Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ
- Dịch vụ cổng thanh toán điện tử
Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi đáp ứng đầy đủ và phải đảm bảo duy trì đủ các điều kiện sau đây trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể như sau:
- Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trường hợp cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức phải đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
- Có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu: 50 tỷ đồng đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 300 tỷ đồng đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn đã góp hoặc vốn được cấp;
- Có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này;
- Điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật; phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam (Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền).
Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;
- Có Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị cấp Giấy phép được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật;
- Đối với dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch giao dịch tài chính và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức;
- Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này, tổ chức cung ứng dịch vụ phải: được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có thỏa thuận kết nối với ít nhất 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng vốn điều lệ trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chiếm trên 65% tổng vốn điều lệ của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ít nhất 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; có cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống kỹ thuật của tổ chức tham gia có thỏa thuận kết nối; có hệ thống máy chủ thực hiện theo quy định pháp luật và đáp ứng năng lực xử lý tối thiểu 10 triệu giao dịch thanh toán/ngày;
Tổ chức tham gia không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử;
- Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển mạch tài chính còn hiệu lực; được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế; có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế kết nối với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Như vậy, các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ được quy định tại Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.